Chủ Nhật, 26 tháng 9, 2010

HS Nguyễn Trung (TT)

Hoạ sĩ Nguyễn Trung: Con người cần nghệ thuật để trở lại chất người

Suốt một thời gian dài, hoạ sĩ Nguyễn Trung trầm mình trong im lặng và sống như một kẻ ẩn dật, để dồn hết tinh lực cho những suy tưởng của mình hiện hình trong thứ ánh sáng duy mỹ của riêng anh.

Nguyễn Trung đang ở trong thời kỳ “mạnh mẽ nhất và tự do nhất”, như lời anh tâm sự, để chuẩn bị cho triển lãm tranh trừu tượng của mình vào tháng 11.2010, cùng với cuốn sách về cuộc đời nghệ thuật của anh.

Mấy hôm nay xem lại tranh của anh, thấy như tìm lại được những giấc mơ, những vẻ đẹp đã mất... Làm thế nào anh có thể chạm vào nơi tinh khiết nhất, mong manh nhất của tâm hồn như thế?

Điều đó không lý giải được, như thể tiềm thức vậy. Nghệ thuật là một quá trình thức dậy và bừng nở của tiềm thức, chứ không phải là những gì ở bên ngoài. Những hoài niệm, kỷ niệm xa xưa lắng xuống, âm ỉ, lên men, rồi một ngày nào đó thành rượu. Vẽ một người đàn bà mình đang yêu tha thiết thì bức chân dung ấy chẳng có giá trị gì, bởi nghệ thuật không phải là cảm hứng tức thì, giống như một trái cây còn xanh. Cứ để đó, từ từ. Khi tiềm thức dậy lên, cầm tay mình, vẽ mà không biết mình vẽ, thì đó là nghệ thuật.

Làm thế nào để giữ mãi là mình, sống được bằng tài năng và phẩm giá của mình trong sự đổi thay của thời cuộc?

Tôi không cố giữ, cũng không chống đỡ, mà sống thuận theo tự nhiên, sống như là mình có. Làm sao có thể chống chọi với một cỗ máy khổng lồ. Cũng có thể xảy ra những bi kịch nhưng tôi không dùng vũ lực, sức mạnh dữ dội nào hết, giống như đang tập thiền vậy. Chống đỡ là một bạo lực, mà bạo lực thì không bao giờ mang tới sự bình lặng. Ý thức chống đỡ chỉ đến khi nào mình yếu đuối. Yếu đuối mới gây hấn. Còn khi làm chủ được mình thì không cần phải đối phó gì hết, sống tự tại.

Điều gì ở phụ nữ làm anh rung cảm nhất? Làm thế nào để giữ mãi vẻ đẹp thanh khiết, thoát tục của cái đẹp, của tình yêu trong khi cuộc đời thì… trần trụi thế?

Sự trong sáng, chân thành, rồi mới tới hình thức bên ngoài. Những gương mặt phụ nữ tôi vẽ thường được lý tưởng hoá, phảng phất vẻ đẹp có tính tôn giáo. Tôi thường quan sát những bức tượng, tranh tôn giáo trong các đền chùa, với làn ánh sáng u uẩn hắt lên những cử chỉ, tay chân, những ngấn cổ sinh động, giống như đang thở vậy. Tôi chịu ảnh hưởng nhiều từ tôn giáo. Tôi vẽ phụ nữ đẹp còn có công lao của nhà văn viết truyện chưởng Kim Dung. Ông tả phụ nữ ai cũng tuyệt vời, trong suốt. Và có lẽ vì mình yêu cái đẹp của họ, biết ngợi ca họ, và mình biết để dành. Bất kể người phụ nữ đẹp nào tình cờ bắt gặp tôi đều không thể quên. Tôi nhốt những hình ảnh ấy lại, ủ men, để đến một thời gian nào đó nó thức dậy và hiện diện trong tranh.

Thời này đào đâu ra người quân tử như trong truyện chưởng Kim Dung! Nhìn ra xã hội, điều gì khiến anh buồn nhất, khi những giá trị đẹp đang dần mất đi?

Người quân tử thời nào cũng hiếm. Tôi thấy con người ngày càng xuống dốc, mất dần mọi thứ, lòng tốt, tình nhân ái. Người ta chỉ muốn thu vén tiền bạc cho riêng mình một cách gấp gáp, thậm chí dùng cả bạo lực với những ông thần để giúp mình kiếm tiền nhanh hơn... Tôi sống cô độc và ít bạn cũng là vì thế. Thấy ai không giống mình là... từ luôn! Có thể tôi hơi khe khắt. Người hiền là không được khe khắt, nhưng tôi không được vậy, rất dứt khoát chuyện đó. Người ta sống giả nhiều quá rồi. Những người sống thực dụng, coi trọng vật chất thường xem nhẹ tình cảm mình có được, và không biết trân trọng tình yêu. Đời sống vật chất cũng đang làm người ta mất đi sự chân thành. Mọi thứ đều trở nên dễ dãi. Sự phồn vinh đôi khi làm cho con người bị rẻ rúng, kể cả rẻ rúng với bản thân mình, với người ăn kẻ ở trong nhà mình…

Thôi kệ, cứ để mọi thứ trôi dạt, rồi chân lý sẽ hiện ra. Người sống có lý tưởng thì bên ngoài và bên trong luôn trong suốt, không bao giờ thay đổi. Cái chúng ta cần nhất bây giờ là một nền giáo dục lành mạnh để cho con người trở về với vẻ đẹp đích thực.

Nổi tiếng từ năm 19 tuổi và sớm được bạn bè quý trọng, vì sao anh lại ra khỏi trường Mỹ thuật giữa chừng?

Con người ngày càng xuống dốc, mất dần mọi thứ, lòng tốt, tình nhân ái. Người ta chỉ muốn thu vén tiền bạc cho riêng mình một cách gấp gáp, thậm chí dùng cả bạo lực với những ông thần để giúp mình kiếm tiền nhanh hơn

Thời tuổi trẻ của tôi vui lắm, sống tự do, và làm những gì mình thích. Nhưng cách dạy ở trường Mỹ thuật từ xưa tới giờ vẫn... dở! Số tôi đi đâu cũng đều bị người ta ăn hiếp. Ra phường, học ở trường, ra đường đều bị ăn hiếp. Mình trọng người ta mà người ta tưởng mình sợ. Tự thấy mình học rất tốt, mà những ông thầy cứ không đồng ý. Hay là do mình chủ quan, nhưng cảm giác bị người ta ăn hiếp cứ đè nặng tôi hoài. Khi tôi buộc phải học lại năm thứ hai, ngày đầu tiên đến trường thấy buồn quá. Tôi không nghĩ mình tài, và cũng không chống lại mấy ông thầy, tôi chỉ không thích cách dạy. Lúc nào tôi cũng nghĩ chắc mình dở quá. Rồi tôi quyết định tự mình học vậy. Mỹ thuật đối với tôi là một mình, độc lập, không lệ thuộc vào ai.

Để tạo được dấu ấn riêng đòi hỏi anh phải có một bản lĩnh như thế nào để tự học trong cả một quá trình dài, khi điều kiện thông tin còn rất thiếu thốn?

Phải đam mê, mới có sức theo đuổi đến cùng, và cả sự tự tin nữa. Có những cuốn sách làm thay đổi một số phận. Thời ấy sách vở về mỹ thuật hiếm hoi lắm, một vài cuốn sách mà tôi may mắn vớ được đã khai tâm tôi, như Bergson, Alain, hai triết gia người Pháp. Tôi có được một số hiểu biết về đời sống nghệ thuật hiện đại qua Khai sinh một nền nghệ thuật mới của Michel Ragon, một nhà văn, nhà sử học nghệ thuật, nhà phê bình, người dấn thân cho nghệ thuật tiên tiến, nhất là nghệ thuật trừu tượng. Hay những bài tiểu luận của Tagore cũng góp phần chỉ ra mục đích của nghệ thuật cho tôi... Tôi đã đọc, vỡ lẽ ra nhiều điều, rồi thôi, thậm chí không nhớ nữa.

Những bước ngoặt nào làm thay đổi quan niệm nghệ thuật của anh?

Khó có thể nói rõ ràng về từng giai đoạn, đó là một chuyển động tự nhiên. Tôi thay qua đổi lại liên tục từ hiện thực sang trừu tượng, nhưng không bỏ hẳn cái nào, không vứt hết những gì mình đã có. Trong nghệ thuật, tôi là một người... nguy hiểm (cười hóm hỉnh), lúc nào cũng bị xẻ ra làm hai, vì cứ thấy ai đẹp là chuyển theo liền, coi bộ không được thì... bỏ chạy theo người khác! Dường như đó cũng là “cách” của tôi, để không bị “căng” quá. Nhưng tôi vẫn nuôi nấng con đường trừu tượng vì theo sự hiểu biết của tôi, tranh trừu tượng xuất phát từ Á Đông. Michel Ragon từng viết: “Trong những tranh trừu tượng, ít hay nhiều cũng có chất thiền”. Năm 1990, khi qua Pháp, được nhìn tận mắt tranh trừu tượng, tôi nghĩ con đường đó rất hạp với con người Á Đông mình, những gì tôi được sống, được thấy từ nhỏ, dễ gợi cho mình nguồn cảm hứng.

Tôi không hề định trước thế nào là một bức tranh đẹp. Vẽ một bức tranh, hạnh phúc nhất là khi cảm thấy hài lòng, thấy vui, tôi mới ký tên, coi như hoàn tất. Có những bức tranh tôi vẽ đã lâu, nhưng chưa bao giờ ký tên, vì thấy nó chưa được. Phải rất chân thực, để tự làm khó mình. Đừng tự dò hỏi mình rằng thế nào là đẹp, sẽ không ra đâu. Bất cứ một nguyên tắc nào cũng trở thành cứng nhắc, lỗi thời, không hợp với con người mình, vì mình hôm nay khác với mình ngày mai, và sẽ thay đổi mãi mãi. Cũng đừng nói tới trường phái này phương pháp nọ. Nghệ thuật theo tôi phải thật hồn nhiên, người nghệ sĩ phải lắng nghe tiếng nói sâu thẳm bên trong mình, phải chiêm nghiệm, phải thật yên tĩnh, chậm rãi... có như vậy mới không ngừng thay đổi, để không lặp lại ngày hôm qua. Nếu không sẽ nhàm chán lắm. Một nhà phân tâm học mà tôi quý trọng, có sưu tập tranh của tôi, đã nói một câu tôi rất thích: “Từ khi anh chuyển qua trừu tượng, tôi không thích chút nào, nhưng có một điều mừng là anh có thay đổi, mà như vậy là anh vẫn còn sống”.

Nhìn rõ chuyển động của xã hội, những được mất của cả một dân tộc, của đời sống con người, điều gì khiến anh day dứt nhất, để có thể vẽ một cách xúc động về nỗi đau nhân tình, tạo nên bước ngoặt mới trong tranh trừu tượng?

Điều day dứt nhất vẫn là nỗi đau muôn thuở của con người, làm sao đừng lặp lại chiến tranh. Nghệ thuật phải có sức mạnh nào đó để con người ngày càng hiểu biết nhau hơn, yêu nhau hơn.

Hoạ sĩ Đỗ Hoàng Tường:

“Nguyễn Trung là một cái tên chững chạc của mỹ thuật Việt Nam. Tôi biết tên anh từ khi mình còn là một đứa trẻ con, đã bị chiêu dụ bằng những tranh thiếu nữ màu xanh ngọc của anh in trên những tờ lịch tháng… Sau này, dù đã quen biết anh nhiều năm, tôi vẫn không hết ngạc nhiên về sức sáng tạo của anh. Cuộc trưng bày ở Hà Nội năm 1999, anh đề nghị một dáng vẻ mới đậm chất Á Đông cho nghệ thuật trừu tượng, gây ảnh hưởng nhất định lên một số hoạ sĩ trẻ lúc đó. Năm năm sau, 2004, ở Quynh Gallery, tôi lại có dịp để ngạc nhiên khi xem những “bảng đen” của anh, xem cuộc nhảy múa của màu trắng, đầy khoái cảm, hân hoan, sung mãn… được tiết chế bởi một tay nghề bậc thầy. Đó không chỉ là những hoài niệm tuổi thơ, đó là những tổng phổ của cuộc đời. Tôi chắc rằng tôi sẽ còn bị nghệ thuật của anh làm cho kinh ngạc!”

Đạo diễn Trần Mỹ Hà:

“Tôi trọng anh ở sự mải mê lao động sáng tạo, và cách anh đang sống. Ánh sáng trong tranh của anh luôn toả ra từ bên trong, cả khi anh vẽ cái bảng đen. Anh là người biết sống bình thường với tài năng thực sự của chính mình. Với tôi, anh là tấm gương của sáng tạo và sự hiểu biết trong đối xử với con người, với cuộc đời”.

Nhìn vào đời sống mỹ thuật hôm nay, điều gì ở những người trẻ khiến anh lo âu nhất?

Mỹ thuật ở Việt Nam ngày càng phong phú, đa dạng, những hoạ sĩ trẻ nhờ được tiếp xúc với nghệ thuật Âu–Mỹ nên thể hiện bằng nhiều khuynh hướng hiện đại khác nhau. Tuy nhiên cũng không nên cái gì cũng có một chút, mà cần phải thể hiện sâu sắc, có nghiên cứu, chắt lọc tinh hoa thế giới, cộng với sự sáng tạo của chính bản thân. Môi trường nghệ thuật Việt Nam rất nhỏ, người làm nghệ thuật rất dễ trở nên nổi tiếng. Báo chí cũng góp phần tạo nên những sự nổi tiếng quá sớm, dễ dàng, khi lăng xê một cách vô tội vạ bằng những từ hoa mỹ, khiến cho một số người trẻ dễ ảo tưởng, nhưng cái gì thực sự còn lại?

Chúng ta đang thiếu hẳn những cây viết phê bình mỹ thuật sắc sảo?

Đúng. Chúng ta chưa hề có một nền phê bình mỹ thuật vị nghệ thuật. Có chăng chỉ là một, hai người viết có hiểu biết, cập nhật được một số vấn đề của thế giới như Nguyễn Quân, Bùi Như Hương...

Theo anh, Việt Nam đã có được một thị trường tranh đúng nghĩa?

Việt Nam đã hình thành một thị trường tranh, nhưng cũng dễ vỡ bởi những nhà kinh doanh nghệ thuật chưa chuyên nghiệp, có người chưa hiểu lắm về nghệ thuật. Nhà sưu tập phải yêu tranh thực sự, biết thưởng thức tranh, chứ không phải sưu tập vì lý do thương mại, tự mình gạt mình, chỉ chạy theo tiếng tăm hoạ sĩ mà không xuất phát từ tình yêu nghệ thuật.

Sống với những biến cố của Sài Gòn qua nhiều thăng trầm của lịch sử, nhìn lại thành phố mình, anh nghĩ gì?

Máu du mục trong người tôi rất mạnh. Từ nhỏ, sống gần cổng xe lửa số sáu, tôi luôn bị thôi thúc ra đi bởi tiếng còi tàu. Nhưng đi đâu rồi cũng nhớ Sài Gòn, nhớ gì không biết, mà chỉ muốn quay về. Tôi xót xa khi thấy những góc phố thân thuộc đang mất dần... Người ta đang ứng xử với vẻ đẹp cũ của Sài Gòn tệ quá...

Từng đi dạy, viết báo, sống bằng nhiều nghề, vì sao trong đời sống riêng, một người dấn thân như anh nhiều lúc lại chọn sự im lặng? Phải chăng là anh đang trốn chạy điều gì?

Im lặng không phải là sự chết, đó là lúc người ta muốn “quậy” nhiều nhất. Im lặng để nghiền ngẫm, để trưởng thành, để chín muồi một điều gì đó. Đôi khi tôi muốn vẽ một bức tranh lớn, nhưng không thể vẽ liền, phải có ý tứ, cách sắp đặt... im lặng trong giờ phút đó giống như quy hoạch một thành phố vậy. Có lúc quy hoạch... trật lất, phải làm lại hoàn toàn. Còn trong cuộc sống, im lặng giống như một sự hoà hợp, hoà đồng với xã hội, để không thấy mình khác.

Có điều gì làm anh lo sợ?

Hiện tại thì không, nhưng trước đây thì có. Ám ảnh tôi nhất là nỗi sợ của một cậu học trò dở mỗi lần bị thầy kêu lên bảng. Tôi làm biếng học lắm, chỉ giỏi những môn mình thích, như văn chương, sinh ngữ, còn toán thì không có điểm nào. Năm 2004 triển lãm Bảng đen là giai đoạn chuyển đổi kỹ thuật quan trọng của tôi, chứa đựng nhiều vô thức. Một nhà sưu tập đã nói: “Nhìn tranh nhớ lại ngày xưa trong lớp, khi thầy vừa quay lưng đi là học trò làm mấy con diều phóng qua phóng lại...” Sêri Bảng đen là một hoài niệm về tuổi thơ.

Ở đoạn cuối của cuộc đời, điều gì với anh là quý giá nhất? Con đường nào để anh trở lại tình yêu?

Là thời gian. Tôi đã xài phí nhiều quá, bây giờ quỹ thời gian còn có chút xíu. Tôi rất cần sự yên tịnh, sức khoẻ, để cho óc sáng tạo của mình luôn mạnh mẽ. Cái đó thì phải tự mình tạo ra, không ai lo cho mình được. Còn thời gian là trời cho, ổng muốn lấy lại lúc nào kệ ổng.

Còn tình yêu ư? Đối với tôi, nó đồng nghĩa với nghệ thuật. Tôi có bao giờ bỏ đi đâu mà nói rằng trở lại. Con người rất cần nghệ thuật, để trở lại chất người của mình.

Theo SGTT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chủ Nhật, 26 tháng 9, 2010

HS Nguyễn Trung (TT)

Hoạ sĩ Nguyễn Trung: Con người cần nghệ thuật để trở lại chất người

Suốt một thời gian dài, hoạ sĩ Nguyễn Trung trầm mình trong im lặng và sống như một kẻ ẩn dật, để dồn hết tinh lực cho những suy tưởng của mình hiện hình trong thứ ánh sáng duy mỹ của riêng anh.

Nguyễn Trung đang ở trong thời kỳ “mạnh mẽ nhất và tự do nhất”, như lời anh tâm sự, để chuẩn bị cho triển lãm tranh trừu tượng của mình vào tháng 11.2010, cùng với cuốn sách về cuộc đời nghệ thuật của anh.

Mấy hôm nay xem lại tranh của anh, thấy như tìm lại được những giấc mơ, những vẻ đẹp đã mất... Làm thế nào anh có thể chạm vào nơi tinh khiết nhất, mong manh nhất của tâm hồn như thế?

Điều đó không lý giải được, như thể tiềm thức vậy. Nghệ thuật là một quá trình thức dậy và bừng nở của tiềm thức, chứ không phải là những gì ở bên ngoài. Những hoài niệm, kỷ niệm xa xưa lắng xuống, âm ỉ, lên men, rồi một ngày nào đó thành rượu. Vẽ một người đàn bà mình đang yêu tha thiết thì bức chân dung ấy chẳng có giá trị gì, bởi nghệ thuật không phải là cảm hứng tức thì, giống như một trái cây còn xanh. Cứ để đó, từ từ. Khi tiềm thức dậy lên, cầm tay mình, vẽ mà không biết mình vẽ, thì đó là nghệ thuật.

Làm thế nào để giữ mãi là mình, sống được bằng tài năng và phẩm giá của mình trong sự đổi thay của thời cuộc?

Tôi không cố giữ, cũng không chống đỡ, mà sống thuận theo tự nhiên, sống như là mình có. Làm sao có thể chống chọi với một cỗ máy khổng lồ. Cũng có thể xảy ra những bi kịch nhưng tôi không dùng vũ lực, sức mạnh dữ dội nào hết, giống như đang tập thiền vậy. Chống đỡ là một bạo lực, mà bạo lực thì không bao giờ mang tới sự bình lặng. Ý thức chống đỡ chỉ đến khi nào mình yếu đuối. Yếu đuối mới gây hấn. Còn khi làm chủ được mình thì không cần phải đối phó gì hết, sống tự tại.

Điều gì ở phụ nữ làm anh rung cảm nhất? Làm thế nào để giữ mãi vẻ đẹp thanh khiết, thoát tục của cái đẹp, của tình yêu trong khi cuộc đời thì… trần trụi thế?

Sự trong sáng, chân thành, rồi mới tới hình thức bên ngoài. Những gương mặt phụ nữ tôi vẽ thường được lý tưởng hoá, phảng phất vẻ đẹp có tính tôn giáo. Tôi thường quan sát những bức tượng, tranh tôn giáo trong các đền chùa, với làn ánh sáng u uẩn hắt lên những cử chỉ, tay chân, những ngấn cổ sinh động, giống như đang thở vậy. Tôi chịu ảnh hưởng nhiều từ tôn giáo. Tôi vẽ phụ nữ đẹp còn có công lao của nhà văn viết truyện chưởng Kim Dung. Ông tả phụ nữ ai cũng tuyệt vời, trong suốt. Và có lẽ vì mình yêu cái đẹp của họ, biết ngợi ca họ, và mình biết để dành. Bất kể người phụ nữ đẹp nào tình cờ bắt gặp tôi đều không thể quên. Tôi nhốt những hình ảnh ấy lại, ủ men, để đến một thời gian nào đó nó thức dậy và hiện diện trong tranh.

Thời này đào đâu ra người quân tử như trong truyện chưởng Kim Dung! Nhìn ra xã hội, điều gì khiến anh buồn nhất, khi những giá trị đẹp đang dần mất đi?

Người quân tử thời nào cũng hiếm. Tôi thấy con người ngày càng xuống dốc, mất dần mọi thứ, lòng tốt, tình nhân ái. Người ta chỉ muốn thu vén tiền bạc cho riêng mình một cách gấp gáp, thậm chí dùng cả bạo lực với những ông thần để giúp mình kiếm tiền nhanh hơn... Tôi sống cô độc và ít bạn cũng là vì thế. Thấy ai không giống mình là... từ luôn! Có thể tôi hơi khe khắt. Người hiền là không được khe khắt, nhưng tôi không được vậy, rất dứt khoát chuyện đó. Người ta sống giả nhiều quá rồi. Những người sống thực dụng, coi trọng vật chất thường xem nhẹ tình cảm mình có được, và không biết trân trọng tình yêu. Đời sống vật chất cũng đang làm người ta mất đi sự chân thành. Mọi thứ đều trở nên dễ dãi. Sự phồn vinh đôi khi làm cho con người bị rẻ rúng, kể cả rẻ rúng với bản thân mình, với người ăn kẻ ở trong nhà mình…

Thôi kệ, cứ để mọi thứ trôi dạt, rồi chân lý sẽ hiện ra. Người sống có lý tưởng thì bên ngoài và bên trong luôn trong suốt, không bao giờ thay đổi. Cái chúng ta cần nhất bây giờ là một nền giáo dục lành mạnh để cho con người trở về với vẻ đẹp đích thực.

Nổi tiếng từ năm 19 tuổi và sớm được bạn bè quý trọng, vì sao anh lại ra khỏi trường Mỹ thuật giữa chừng?

Con người ngày càng xuống dốc, mất dần mọi thứ, lòng tốt, tình nhân ái. Người ta chỉ muốn thu vén tiền bạc cho riêng mình một cách gấp gáp, thậm chí dùng cả bạo lực với những ông thần để giúp mình kiếm tiền nhanh hơn

Thời tuổi trẻ của tôi vui lắm, sống tự do, và làm những gì mình thích. Nhưng cách dạy ở trường Mỹ thuật từ xưa tới giờ vẫn... dở! Số tôi đi đâu cũng đều bị người ta ăn hiếp. Ra phường, học ở trường, ra đường đều bị ăn hiếp. Mình trọng người ta mà người ta tưởng mình sợ. Tự thấy mình học rất tốt, mà những ông thầy cứ không đồng ý. Hay là do mình chủ quan, nhưng cảm giác bị người ta ăn hiếp cứ đè nặng tôi hoài. Khi tôi buộc phải học lại năm thứ hai, ngày đầu tiên đến trường thấy buồn quá. Tôi không nghĩ mình tài, và cũng không chống lại mấy ông thầy, tôi chỉ không thích cách dạy. Lúc nào tôi cũng nghĩ chắc mình dở quá. Rồi tôi quyết định tự mình học vậy. Mỹ thuật đối với tôi là một mình, độc lập, không lệ thuộc vào ai.

Để tạo được dấu ấn riêng đòi hỏi anh phải có một bản lĩnh như thế nào để tự học trong cả một quá trình dài, khi điều kiện thông tin còn rất thiếu thốn?

Phải đam mê, mới có sức theo đuổi đến cùng, và cả sự tự tin nữa. Có những cuốn sách làm thay đổi một số phận. Thời ấy sách vở về mỹ thuật hiếm hoi lắm, một vài cuốn sách mà tôi may mắn vớ được đã khai tâm tôi, như Bergson, Alain, hai triết gia người Pháp. Tôi có được một số hiểu biết về đời sống nghệ thuật hiện đại qua Khai sinh một nền nghệ thuật mới của Michel Ragon, một nhà văn, nhà sử học nghệ thuật, nhà phê bình, người dấn thân cho nghệ thuật tiên tiến, nhất là nghệ thuật trừu tượng. Hay những bài tiểu luận của Tagore cũng góp phần chỉ ra mục đích của nghệ thuật cho tôi... Tôi đã đọc, vỡ lẽ ra nhiều điều, rồi thôi, thậm chí không nhớ nữa.

Những bước ngoặt nào làm thay đổi quan niệm nghệ thuật của anh?

Khó có thể nói rõ ràng về từng giai đoạn, đó là một chuyển động tự nhiên. Tôi thay qua đổi lại liên tục từ hiện thực sang trừu tượng, nhưng không bỏ hẳn cái nào, không vứt hết những gì mình đã có. Trong nghệ thuật, tôi là một người... nguy hiểm (cười hóm hỉnh), lúc nào cũng bị xẻ ra làm hai, vì cứ thấy ai đẹp là chuyển theo liền, coi bộ không được thì... bỏ chạy theo người khác! Dường như đó cũng là “cách” của tôi, để không bị “căng” quá. Nhưng tôi vẫn nuôi nấng con đường trừu tượng vì theo sự hiểu biết của tôi, tranh trừu tượng xuất phát từ Á Đông. Michel Ragon từng viết: “Trong những tranh trừu tượng, ít hay nhiều cũng có chất thiền”. Năm 1990, khi qua Pháp, được nhìn tận mắt tranh trừu tượng, tôi nghĩ con đường đó rất hạp với con người Á Đông mình, những gì tôi được sống, được thấy từ nhỏ, dễ gợi cho mình nguồn cảm hứng.

Tôi không hề định trước thế nào là một bức tranh đẹp. Vẽ một bức tranh, hạnh phúc nhất là khi cảm thấy hài lòng, thấy vui, tôi mới ký tên, coi như hoàn tất. Có những bức tranh tôi vẽ đã lâu, nhưng chưa bao giờ ký tên, vì thấy nó chưa được. Phải rất chân thực, để tự làm khó mình. Đừng tự dò hỏi mình rằng thế nào là đẹp, sẽ không ra đâu. Bất cứ một nguyên tắc nào cũng trở thành cứng nhắc, lỗi thời, không hợp với con người mình, vì mình hôm nay khác với mình ngày mai, và sẽ thay đổi mãi mãi. Cũng đừng nói tới trường phái này phương pháp nọ. Nghệ thuật theo tôi phải thật hồn nhiên, người nghệ sĩ phải lắng nghe tiếng nói sâu thẳm bên trong mình, phải chiêm nghiệm, phải thật yên tĩnh, chậm rãi... có như vậy mới không ngừng thay đổi, để không lặp lại ngày hôm qua. Nếu không sẽ nhàm chán lắm. Một nhà phân tâm học mà tôi quý trọng, có sưu tập tranh của tôi, đã nói một câu tôi rất thích: “Từ khi anh chuyển qua trừu tượng, tôi không thích chút nào, nhưng có một điều mừng là anh có thay đổi, mà như vậy là anh vẫn còn sống”.

Nhìn rõ chuyển động của xã hội, những được mất của cả một dân tộc, của đời sống con người, điều gì khiến anh day dứt nhất, để có thể vẽ một cách xúc động về nỗi đau nhân tình, tạo nên bước ngoặt mới trong tranh trừu tượng?

Điều day dứt nhất vẫn là nỗi đau muôn thuở của con người, làm sao đừng lặp lại chiến tranh. Nghệ thuật phải có sức mạnh nào đó để con người ngày càng hiểu biết nhau hơn, yêu nhau hơn.

Hoạ sĩ Đỗ Hoàng Tường:

“Nguyễn Trung là một cái tên chững chạc của mỹ thuật Việt Nam. Tôi biết tên anh từ khi mình còn là một đứa trẻ con, đã bị chiêu dụ bằng những tranh thiếu nữ màu xanh ngọc của anh in trên những tờ lịch tháng… Sau này, dù đã quen biết anh nhiều năm, tôi vẫn không hết ngạc nhiên về sức sáng tạo của anh. Cuộc trưng bày ở Hà Nội năm 1999, anh đề nghị một dáng vẻ mới đậm chất Á Đông cho nghệ thuật trừu tượng, gây ảnh hưởng nhất định lên một số hoạ sĩ trẻ lúc đó. Năm năm sau, 2004, ở Quynh Gallery, tôi lại có dịp để ngạc nhiên khi xem những “bảng đen” của anh, xem cuộc nhảy múa của màu trắng, đầy khoái cảm, hân hoan, sung mãn… được tiết chế bởi một tay nghề bậc thầy. Đó không chỉ là những hoài niệm tuổi thơ, đó là những tổng phổ của cuộc đời. Tôi chắc rằng tôi sẽ còn bị nghệ thuật của anh làm cho kinh ngạc!”

Đạo diễn Trần Mỹ Hà:

“Tôi trọng anh ở sự mải mê lao động sáng tạo, và cách anh đang sống. Ánh sáng trong tranh của anh luôn toả ra từ bên trong, cả khi anh vẽ cái bảng đen. Anh là người biết sống bình thường với tài năng thực sự của chính mình. Với tôi, anh là tấm gương của sáng tạo và sự hiểu biết trong đối xử với con người, với cuộc đời”.

Nhìn vào đời sống mỹ thuật hôm nay, điều gì ở những người trẻ khiến anh lo âu nhất?

Mỹ thuật ở Việt Nam ngày càng phong phú, đa dạng, những hoạ sĩ trẻ nhờ được tiếp xúc với nghệ thuật Âu–Mỹ nên thể hiện bằng nhiều khuynh hướng hiện đại khác nhau. Tuy nhiên cũng không nên cái gì cũng có một chút, mà cần phải thể hiện sâu sắc, có nghiên cứu, chắt lọc tinh hoa thế giới, cộng với sự sáng tạo của chính bản thân. Môi trường nghệ thuật Việt Nam rất nhỏ, người làm nghệ thuật rất dễ trở nên nổi tiếng. Báo chí cũng góp phần tạo nên những sự nổi tiếng quá sớm, dễ dàng, khi lăng xê một cách vô tội vạ bằng những từ hoa mỹ, khiến cho một số người trẻ dễ ảo tưởng, nhưng cái gì thực sự còn lại?

Chúng ta đang thiếu hẳn những cây viết phê bình mỹ thuật sắc sảo?

Đúng. Chúng ta chưa hề có một nền phê bình mỹ thuật vị nghệ thuật. Có chăng chỉ là một, hai người viết có hiểu biết, cập nhật được một số vấn đề của thế giới như Nguyễn Quân, Bùi Như Hương...

Theo anh, Việt Nam đã có được một thị trường tranh đúng nghĩa?

Việt Nam đã hình thành một thị trường tranh, nhưng cũng dễ vỡ bởi những nhà kinh doanh nghệ thuật chưa chuyên nghiệp, có người chưa hiểu lắm về nghệ thuật. Nhà sưu tập phải yêu tranh thực sự, biết thưởng thức tranh, chứ không phải sưu tập vì lý do thương mại, tự mình gạt mình, chỉ chạy theo tiếng tăm hoạ sĩ mà không xuất phát từ tình yêu nghệ thuật.

Sống với những biến cố của Sài Gòn qua nhiều thăng trầm của lịch sử, nhìn lại thành phố mình, anh nghĩ gì?

Máu du mục trong người tôi rất mạnh. Từ nhỏ, sống gần cổng xe lửa số sáu, tôi luôn bị thôi thúc ra đi bởi tiếng còi tàu. Nhưng đi đâu rồi cũng nhớ Sài Gòn, nhớ gì không biết, mà chỉ muốn quay về. Tôi xót xa khi thấy những góc phố thân thuộc đang mất dần... Người ta đang ứng xử với vẻ đẹp cũ của Sài Gòn tệ quá...

Từng đi dạy, viết báo, sống bằng nhiều nghề, vì sao trong đời sống riêng, một người dấn thân như anh nhiều lúc lại chọn sự im lặng? Phải chăng là anh đang trốn chạy điều gì?

Im lặng không phải là sự chết, đó là lúc người ta muốn “quậy” nhiều nhất. Im lặng để nghiền ngẫm, để trưởng thành, để chín muồi một điều gì đó. Đôi khi tôi muốn vẽ một bức tranh lớn, nhưng không thể vẽ liền, phải có ý tứ, cách sắp đặt... im lặng trong giờ phút đó giống như quy hoạch một thành phố vậy. Có lúc quy hoạch... trật lất, phải làm lại hoàn toàn. Còn trong cuộc sống, im lặng giống như một sự hoà hợp, hoà đồng với xã hội, để không thấy mình khác.

Có điều gì làm anh lo sợ?

Hiện tại thì không, nhưng trước đây thì có. Ám ảnh tôi nhất là nỗi sợ của một cậu học trò dở mỗi lần bị thầy kêu lên bảng. Tôi làm biếng học lắm, chỉ giỏi những môn mình thích, như văn chương, sinh ngữ, còn toán thì không có điểm nào. Năm 2004 triển lãm Bảng đen là giai đoạn chuyển đổi kỹ thuật quan trọng của tôi, chứa đựng nhiều vô thức. Một nhà sưu tập đã nói: “Nhìn tranh nhớ lại ngày xưa trong lớp, khi thầy vừa quay lưng đi là học trò làm mấy con diều phóng qua phóng lại...” Sêri Bảng đen là một hoài niệm về tuổi thơ.

Ở đoạn cuối của cuộc đời, điều gì với anh là quý giá nhất? Con đường nào để anh trở lại tình yêu?

Là thời gian. Tôi đã xài phí nhiều quá, bây giờ quỹ thời gian còn có chút xíu. Tôi rất cần sự yên tịnh, sức khoẻ, để cho óc sáng tạo của mình luôn mạnh mẽ. Cái đó thì phải tự mình tạo ra, không ai lo cho mình được. Còn thời gian là trời cho, ổng muốn lấy lại lúc nào kệ ổng.

Còn tình yêu ư? Đối với tôi, nó đồng nghĩa với nghệ thuật. Tôi có bao giờ bỏ đi đâu mà nói rằng trở lại. Con người rất cần nghệ thuật, để trở lại chất người của mình.

Theo SGTT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét