Thứ Hai, 18 tháng 10, 2010

“Hai đứa trẻ”tác phẩm tiêu biểu cho phong cách Thạch Lam

Nguyễn Văn Tùng ( 9/24/2010 10:44:18 AM )

Dù chỉ có một cuộc đời ngắn ngủi, song Thạch Lam (1910 - 1942) đã kịp để lại cho văn học Việt Nam hiện đại nhiều tác phẩm có giá trị, đặc biệt là một số truyện ngắn và bút kí. Những tác phẩm ấy đã khẳng định một phong cách Thạch Lam trong làng văn hiện đại. Trong số truyện ngắn của ông, Hai đứa trẻ* là tác phẩm được nhiều bạn đọc biết đến hơn cả, bởi lẽ nó tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của cây bút văn xuôi đặc sắc này.

Đã hơn nửa thế kỉ trôi qua nhưng “hai đứa trẻ” trong truyện ngắn Hai đứa trẻ vẫn là những hình tượng nghệ thuật đầy sức sống trong lòng bạn đọc nhiều thế hệ. Cái gì đã mang đến một sức sống lâu bền như vậy cho tác phẩm? Phải chăng cái tạo nên sức lôi cuốn ấy chính là tài năng nghệ thuật của nhà văn Thạch Lam. Quả vậy, những nét đặc sắc trong truyện ngắn Hai đứa trẻ cũng là những nét đặc sắc của phong cách Thạch Lam.

Trước hết, khác với các tác phẩm tự sự nói chung, Hai đứa trẻ hầu như không có cốt truyện, sự kiện. Nói một cách chính xác, “cốt truyện” chỉ là câu chuyện về hai đứa trẻ - một chị, một em trai với một chõng hàng ở một phố huyện nghèo có đường xe lửa chạy qua. Truyện hầu như không có sự kiện gì đặc biệt. Hành động của nhân vật cũng chỉ là những việc lặp đi lặp lại mỗi ngày. Ngày nào chẳng vậy. Ngày nào mà chẳng có “Tiếng trống thu không trên cái chòi của huyện nhỏ; từng tiếng một vang ra để gọi buổi chiều”. Ngày nào mà mẹ con chị Tí nhá nhem tối chẳng “xách điếu đóm và hai cái ghế trên lưng ở trong ngõ đi ra” để bày hàng. “Ngày nào, cứ chập tối, mẹ Liên lại tạt ra thăm hàng một lần, và bà dặn cứ trống thu không là phải đóng cửa hàng lại”... Ngày nào mà hai chị em Liên chẳng mong ngóng đợi đoàn tàu đêm đi qua. Những con người quen thuộc, những hành động thường nhật, nhàm chán. Một nhịp sống đều đều không có gì thay đổi. Nói chung, cuộc sống, con người hiện ra qua ngòi bút miêu tả của Thạch Lam trong Hai đứa trẻ đều không có gì khiến bạn đọc phải hồi hộp, phải đợi chờ, ấy vậy mà đã tạo nên một chỉnh thể nghệ thuật mang đến cho người đọc những nhận thức mới mẻ về con người, nói chính xác hơn là thân phận những con người nhỏ bé, tầm thường trong xã hội cũ. Thạch Lam đã hết sức khéo léo gắn kết được những con người, những sự kiện thường nhật ấy lại để chúng trở thành một thế giới nghệ thuật. Tác phẩm thú vị ở chỗ tưởng như hiện thực miêu tả rất cũ kĩ, sáo mòn nhưng cuối cùng người đọc lại nhận ra rất nhiều thông điệp có giá trị mà nhà văn gửi gắm.

Kiểu cốt truyện của Hai đứa trẻ là một kiểu tổ chức hành động tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của Thạch Lam. Không chỉ Hai đứa trẻ, nhiều tác phẩm khác của ông cũng vậy. Truyện ngắn Dưới bóng hoàng lan kể về một chàng trai về quê thăm bà rồi gặp lại cô bé hàng xóm giờ đã trở thành một thiếu nữ xinh xắn. Truyện Gió lạnh đầu mùa kể về những đứa trẻ biết thương yêu, biết cho nhau một tấm áo để chống lại cái lạnh đầu mùa... Thật nhẹ nhàng, thật giản đơn. Cái độc đáo, cái đặc sắc làm nên phong cách Thạch Lam, trước hết chính là kiểu cốt truyện nhẹ nhàng nhưng khó quên ấy.Vậy là dường như Thạch Lam không chú trọng cốt truyện. Cái nhà văn muốn làm nổi bật lên trong tác phẩm này lại chính là tâm tư, tình cảm của nhân vật. Chị em Liên đang nghĩ gì? Buồn hay vui? Đó mới chính là điều ngòi bút Thạch Lam đang hướng tới.

Có thể nhận thấy qua Hai đứa trẻ nghệ thuật miêu tả tâm trạng nhân vật điêu luyện của ngòi bút Thạch Lam. Mỗi nhà văn có một phong cách riêng. Nam Cao có biệt tài đi vào từng ngõ ngách tâm trạng, thể hiện sâu sắc những uẩn khúc của nhân vật. Ông có thể phanh phui tất cả những sự thật của tâm hồn. Nguyễn Tuân lại diễn tả rất hay cái khát khao hướng về cái đẹp, cái thanh nhã, cái cao cả, cao thượng của con người... Song thể hiện những nét tinh tế, nhẹ nhàng của tình cảm, cảm xúc thì có lẽ trong các nhà văn Việt Nam hiện đại chưa ai hơn được Thạch Lam.

Cụ thể, trong thiên truyện ngắn này, tâm trạng của hai đứa trẻ, nói chính xác là của Liên, được Thạch Lam diễn tả một cách khéo léo. Nhà văn để tâm trạng nhân vật tự bộc lộ. Tâm trạng của Liên được thể hiện qua thị giác và thính giác. Hình ảnh những con người nơi phố huyện, như bác phở Siêu, mẹ con chị Tí, vợ chồng bác xẩm, vài người đi làm về muộn lặng lẽ đi ngoài phố, bóng tối bao trùm lên tất cả...; âm thanh của tiếng trống thu không, trống cầm canh, tiếng cười khanh khách của bà Thi điên, vài tiếng đàn bầu rời rạc của vợ chồng bác xẩm... đã nói lên một cách hết sức chính xác những cảm xúc buồn man mác, buồn nhưng không hiểu vì sao của một tâm hồn non trẻ, ngây thơ.

Bằng tài năng sử dụng ngôn từ, nhà văn đã dẫn người đọc quay trở về quá khứ, đến với một phố huyện nghèo, đang mỗi lúc một chìm dần vào đêm tối. Người đọc dường như đang ở bên cạnh những đứa trẻ mà lắng nghe những thanh âm buồn bã, mà chứng kiến những con người lam lũ đang khao khát một cuộc sống tươi sáng hơn. Nhà văn đã khơi gợi được lòng đồng cảm mạnh mẽ ở người đọc. Điều đó lí giải vì sao những nhân vật của truyện dường như rất bình thường nhưng đã để lại một ấn tượng mạnh đến vậy trong lòng người đọc. Nhiều tác phẩm khác của Thạch Lam cũng có chung một phương thức miêu tả tâm trạng nhân vật như trong Hai đứa trẻ. Song có thể nhận thấy, Hai đứa trẻ là truyện ngắn thể hiện một cách tập trung nhất nét đặc sắc nghệ thuật nêu trên của ngòi bút Thạch Lam.

Kiểu kết cấu - kết cấu thời gian, kết cấu sự kiện và nhân vật - trong Hai đứa trẻ cũng là một nét khá tiêu biểu cho phong cách Thạch Lam. Cách thể hiện của Thạch Lam gần với phương thức của một họa sĩ hay một nghệ sĩ nhiếp ảnh. Kiểu thời gian hồi tưởng chỉ xuất hiện có một lần khi Liên nhớ lại những ngày gia đình còn ở Hà Nội. Song vùng kí ức ấy cũng rất mờ nhạt trong Liên. Hà Nội trong trí nhớ của Liên chỉ còn là một vùng sáng rực. Kiểu thời gian đảo lộn, dồn nén không thấy xuất hiện. Thời gian nghệ thuật của Hai đứa trẻ là thời gian xuôi chiều, đều đều. Khoảng thời gian của tác phẩm cũng diễn ra trong một khoảng ngắn: từ lúc chiều tàn cho đến đêm khuya, khi chuyến tàu đêm đi qua thị trấn. Song không phải vì thế mà tác phẩm kém đi sự hấp dẫn. Ngược lại, với cách miêu tả ấy, nhà văn đã bắt nhận được nhịp sống đều trôi, buồn tẻ, lặng lẽ nơi phố huyện, tựa như một nhạc sĩ đã nắm bắt được nhịp điệu của tâm hồn để thể hiện nó trong giai điệu về số phận con người. Kiểu thời gian của tác phẩm làm cho người đọc có ấn tượng rằng đây là một nhát cắt của cuộc sống. Cách thể hiện ấy đã làm tăng tính chân thực của những hình tượng nghệ thuật trong truyện ngắn này.

Kiểu kết cấu nhân vật của tác phẩm cũng khá đặc biệt. Cái đặc biệt không phải được tạo nên từ sự phức tạp của nội tâm nhân vật, của các tuyến nhân vật. ở đây không có nhân vật đa diện, không có các tuyến nhân vật chính diện, nhân vật phản diện... như trong tác phẩm của các nhà văn cùng thời khác mà chỉ có những con người đang lặng lẽ, đắm chìm trong tăm tối, buồn bã. Đó cũng là điểm chung về nhân vật trong nhiều tác phẩm khác của Thạch Lam.

Nếu người đọc đã biết đến một Nguyễn Tuân tài hoa kiêu bạc, một Nam Cao sâu sắc, một Vũ Trọng Phụng gay gắt, quyết liệt... thì qua những trang văn Hai đứa trẻ, Dưới bóng hoàng lan, Gió lạnh đầu mùa... ta lại được biết thêm một Thạch Lam nhạy cảm, biết lắng nghe, biết nâng niu những biến thái tinh tế của tâm hồn những con người nhỏ bé, bình thường. Văn Thạch Lam nhắc chúng ta cần quan tâm hơn nữa, cần biết sống tốt hơn nữa với những người xung quanh.


N . V . T

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thứ Hai, 18 tháng 10, 2010

“Hai đứa trẻ”tác phẩm tiêu biểu cho phong cách Thạch Lam

Nguyễn Văn Tùng ( 9/24/2010 10:44:18 AM )

Dù chỉ có một cuộc đời ngắn ngủi, song Thạch Lam (1910 - 1942) đã kịp để lại cho văn học Việt Nam hiện đại nhiều tác phẩm có giá trị, đặc biệt là một số truyện ngắn và bút kí. Những tác phẩm ấy đã khẳng định một phong cách Thạch Lam trong làng văn hiện đại. Trong số truyện ngắn của ông, Hai đứa trẻ* là tác phẩm được nhiều bạn đọc biết đến hơn cả, bởi lẽ nó tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của cây bút văn xuôi đặc sắc này.

Đã hơn nửa thế kỉ trôi qua nhưng “hai đứa trẻ” trong truyện ngắn Hai đứa trẻ vẫn là những hình tượng nghệ thuật đầy sức sống trong lòng bạn đọc nhiều thế hệ. Cái gì đã mang đến một sức sống lâu bền như vậy cho tác phẩm? Phải chăng cái tạo nên sức lôi cuốn ấy chính là tài năng nghệ thuật của nhà văn Thạch Lam. Quả vậy, những nét đặc sắc trong truyện ngắn Hai đứa trẻ cũng là những nét đặc sắc của phong cách Thạch Lam.

Trước hết, khác với các tác phẩm tự sự nói chung, Hai đứa trẻ hầu như không có cốt truyện, sự kiện. Nói một cách chính xác, “cốt truyện” chỉ là câu chuyện về hai đứa trẻ - một chị, một em trai với một chõng hàng ở một phố huyện nghèo có đường xe lửa chạy qua. Truyện hầu như không có sự kiện gì đặc biệt. Hành động của nhân vật cũng chỉ là những việc lặp đi lặp lại mỗi ngày. Ngày nào chẳng vậy. Ngày nào mà chẳng có “Tiếng trống thu không trên cái chòi của huyện nhỏ; từng tiếng một vang ra để gọi buổi chiều”. Ngày nào mà mẹ con chị Tí nhá nhem tối chẳng “xách điếu đóm và hai cái ghế trên lưng ở trong ngõ đi ra” để bày hàng. “Ngày nào, cứ chập tối, mẹ Liên lại tạt ra thăm hàng một lần, và bà dặn cứ trống thu không là phải đóng cửa hàng lại”... Ngày nào mà hai chị em Liên chẳng mong ngóng đợi đoàn tàu đêm đi qua. Những con người quen thuộc, những hành động thường nhật, nhàm chán. Một nhịp sống đều đều không có gì thay đổi. Nói chung, cuộc sống, con người hiện ra qua ngòi bút miêu tả của Thạch Lam trong Hai đứa trẻ đều không có gì khiến bạn đọc phải hồi hộp, phải đợi chờ, ấy vậy mà đã tạo nên một chỉnh thể nghệ thuật mang đến cho người đọc những nhận thức mới mẻ về con người, nói chính xác hơn là thân phận những con người nhỏ bé, tầm thường trong xã hội cũ. Thạch Lam đã hết sức khéo léo gắn kết được những con người, những sự kiện thường nhật ấy lại để chúng trở thành một thế giới nghệ thuật. Tác phẩm thú vị ở chỗ tưởng như hiện thực miêu tả rất cũ kĩ, sáo mòn nhưng cuối cùng người đọc lại nhận ra rất nhiều thông điệp có giá trị mà nhà văn gửi gắm.

Kiểu cốt truyện của Hai đứa trẻ là một kiểu tổ chức hành động tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của Thạch Lam. Không chỉ Hai đứa trẻ, nhiều tác phẩm khác của ông cũng vậy. Truyện ngắn Dưới bóng hoàng lan kể về một chàng trai về quê thăm bà rồi gặp lại cô bé hàng xóm giờ đã trở thành một thiếu nữ xinh xắn. Truyện Gió lạnh đầu mùa kể về những đứa trẻ biết thương yêu, biết cho nhau một tấm áo để chống lại cái lạnh đầu mùa... Thật nhẹ nhàng, thật giản đơn. Cái độc đáo, cái đặc sắc làm nên phong cách Thạch Lam, trước hết chính là kiểu cốt truyện nhẹ nhàng nhưng khó quên ấy.Vậy là dường như Thạch Lam không chú trọng cốt truyện. Cái nhà văn muốn làm nổi bật lên trong tác phẩm này lại chính là tâm tư, tình cảm của nhân vật. Chị em Liên đang nghĩ gì? Buồn hay vui? Đó mới chính là điều ngòi bút Thạch Lam đang hướng tới.

Có thể nhận thấy qua Hai đứa trẻ nghệ thuật miêu tả tâm trạng nhân vật điêu luyện của ngòi bút Thạch Lam. Mỗi nhà văn có một phong cách riêng. Nam Cao có biệt tài đi vào từng ngõ ngách tâm trạng, thể hiện sâu sắc những uẩn khúc của nhân vật. Ông có thể phanh phui tất cả những sự thật của tâm hồn. Nguyễn Tuân lại diễn tả rất hay cái khát khao hướng về cái đẹp, cái thanh nhã, cái cao cả, cao thượng của con người... Song thể hiện những nét tinh tế, nhẹ nhàng của tình cảm, cảm xúc thì có lẽ trong các nhà văn Việt Nam hiện đại chưa ai hơn được Thạch Lam.

Cụ thể, trong thiên truyện ngắn này, tâm trạng của hai đứa trẻ, nói chính xác là của Liên, được Thạch Lam diễn tả một cách khéo léo. Nhà văn để tâm trạng nhân vật tự bộc lộ. Tâm trạng của Liên được thể hiện qua thị giác và thính giác. Hình ảnh những con người nơi phố huyện, như bác phở Siêu, mẹ con chị Tí, vợ chồng bác xẩm, vài người đi làm về muộn lặng lẽ đi ngoài phố, bóng tối bao trùm lên tất cả...; âm thanh của tiếng trống thu không, trống cầm canh, tiếng cười khanh khách của bà Thi điên, vài tiếng đàn bầu rời rạc của vợ chồng bác xẩm... đã nói lên một cách hết sức chính xác những cảm xúc buồn man mác, buồn nhưng không hiểu vì sao của một tâm hồn non trẻ, ngây thơ.

Bằng tài năng sử dụng ngôn từ, nhà văn đã dẫn người đọc quay trở về quá khứ, đến với một phố huyện nghèo, đang mỗi lúc một chìm dần vào đêm tối. Người đọc dường như đang ở bên cạnh những đứa trẻ mà lắng nghe những thanh âm buồn bã, mà chứng kiến những con người lam lũ đang khao khát một cuộc sống tươi sáng hơn. Nhà văn đã khơi gợi được lòng đồng cảm mạnh mẽ ở người đọc. Điều đó lí giải vì sao những nhân vật của truyện dường như rất bình thường nhưng đã để lại một ấn tượng mạnh đến vậy trong lòng người đọc. Nhiều tác phẩm khác của Thạch Lam cũng có chung một phương thức miêu tả tâm trạng nhân vật như trong Hai đứa trẻ. Song có thể nhận thấy, Hai đứa trẻ là truyện ngắn thể hiện một cách tập trung nhất nét đặc sắc nghệ thuật nêu trên của ngòi bút Thạch Lam.

Kiểu kết cấu - kết cấu thời gian, kết cấu sự kiện và nhân vật - trong Hai đứa trẻ cũng là một nét khá tiêu biểu cho phong cách Thạch Lam. Cách thể hiện của Thạch Lam gần với phương thức của một họa sĩ hay một nghệ sĩ nhiếp ảnh. Kiểu thời gian hồi tưởng chỉ xuất hiện có một lần khi Liên nhớ lại những ngày gia đình còn ở Hà Nội. Song vùng kí ức ấy cũng rất mờ nhạt trong Liên. Hà Nội trong trí nhớ của Liên chỉ còn là một vùng sáng rực. Kiểu thời gian đảo lộn, dồn nén không thấy xuất hiện. Thời gian nghệ thuật của Hai đứa trẻ là thời gian xuôi chiều, đều đều. Khoảng thời gian của tác phẩm cũng diễn ra trong một khoảng ngắn: từ lúc chiều tàn cho đến đêm khuya, khi chuyến tàu đêm đi qua thị trấn. Song không phải vì thế mà tác phẩm kém đi sự hấp dẫn. Ngược lại, với cách miêu tả ấy, nhà văn đã bắt nhận được nhịp sống đều trôi, buồn tẻ, lặng lẽ nơi phố huyện, tựa như một nhạc sĩ đã nắm bắt được nhịp điệu của tâm hồn để thể hiện nó trong giai điệu về số phận con người. Kiểu thời gian của tác phẩm làm cho người đọc có ấn tượng rằng đây là một nhát cắt của cuộc sống. Cách thể hiện ấy đã làm tăng tính chân thực của những hình tượng nghệ thuật trong truyện ngắn này.

Kiểu kết cấu nhân vật của tác phẩm cũng khá đặc biệt. Cái đặc biệt không phải được tạo nên từ sự phức tạp của nội tâm nhân vật, của các tuyến nhân vật. ở đây không có nhân vật đa diện, không có các tuyến nhân vật chính diện, nhân vật phản diện... như trong tác phẩm của các nhà văn cùng thời khác mà chỉ có những con người đang lặng lẽ, đắm chìm trong tăm tối, buồn bã. Đó cũng là điểm chung về nhân vật trong nhiều tác phẩm khác của Thạch Lam.

Nếu người đọc đã biết đến một Nguyễn Tuân tài hoa kiêu bạc, một Nam Cao sâu sắc, một Vũ Trọng Phụng gay gắt, quyết liệt... thì qua những trang văn Hai đứa trẻ, Dưới bóng hoàng lan, Gió lạnh đầu mùa... ta lại được biết thêm một Thạch Lam nhạy cảm, biết lắng nghe, biết nâng niu những biến thái tinh tế của tâm hồn những con người nhỏ bé, bình thường. Văn Thạch Lam nhắc chúng ta cần quan tâm hơn nữa, cần biết sống tốt hơn nữa với những người xung quanh.


N . V . T

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét