Thứ Ba, 15 tháng 3, 2011

Ca dao và Lịch sử



Ca dao, tục ngữ là tiếng nói của dân gian Việt, trải qua nhiều thời đại, từ thời xưa và đến cả thời nay. Ca dao, tục ngữ phản ảnh tâm tư, tình cảm của người dân trong sinh hoạt hằng ngày, không chỉ ở nơi đồng nội mà còn ở thành thị, kinh đô. Tuy là ngôn ngữ dân gian, nhưng ca dao, tục ngữ không phải là tiếng nói bình thường mà là ngôn ngữ có vần điệu, ngắn gọn và vì ngắn gọn, có vần điệu nên dễ phổ biến rộng rãi trong quần chúng.

Từ trước, người ta thường có quan niệm rằng ca dao, tục ngữ là văn chương bình dân, phát xuất từ nông thôn, thật sự ca dao tục ngữ là tiếng nói của nhiều tầng lớp dân chúng, và có lẽ phần lớn tác giả là những kẻ sĩ, cư ngụ ở khắp nơi, từ thành thị đến nông thôn.

Ca dao, tục ngữ là loại văn chương truyền khẩu, biểu hiện nhiều mặt sinh hoạt của quần chúng Việt Nam, nhất là về mặt tình cảm, nên trong ca dao rất phong phú khúc hát trữ tình. Ngoài ra, đặc biệt ca dao, tục ngữ còn biểu lộ những nhận định của dân chúng đối với những hành vi tốt, xấu của con người trong xã hội khi giao tiếp với nhau, hay bình luận, phê phán giới lãnh đạo trong chính quyền hiện tại, hoặc trong quá khứ, tức là những nhân vật lịch sử và các biến cố liên quan đến vận mệnh dân tộc và đất nước.

Trường hợp này, ca dao, tục ngữ có thể xem là một hình thức ngôn luận của quần chúng ở thời đại xưa, khi xã hội chưa phát triển, chưa có điều kiện phổ biến dư luận của người dân như là báo chí hoặc các hình thức thông tin trong thời đại mới, mặc dù từ trước đã có thư tịch nhưng chỉ là để chuyển tải văn chương, sử liệu, mô phạm (thánh mô hiền phạm) v...v...

Nho giáo từ Trung Quốc truyền sang đất Việt, qua giới nho sĩ, từ trước thường có quan niệm trọng nam khinh nữ (nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô). Nhưng đối với người dân Việt thì không có quan niệm kỳ thị đó, nhất là đối với hạng anh thư nữ kiệt.

Muốn coi lên núi mà coi

Coi bà quản tượng cỡi voi bành vàng

Rõ ràng câu ca dao này đã ca ngợi công đức chống ngoại xâm của Triệu Nữ Vương (tức là Triệu Thị Trinh - mà sử Tàu miệt thị gọi là Triệu Ẩu: Bà vú Triệu). Sau cuộc nổi dậy chống Tô Định của Hai Bà Trưng bị thất bại, Bà Triệu noi gương anh dũng đó đã phất cờ khởi nghĩa chống quân Đông Ngô. Khi Bà đánh giặc, mặc áo giáp vàng cỡi voi xông vào quân địch như vào chỗ không người, xưng danh hiệu là Nhụy Kiều tướng quân.

Sau một thời gian dài bị lệ thuộc Trung Hoa, Việt Nam giành được độc lập và Ngô Quyền thiết lập một vương triều tự chủ, sau hơn 10 thế kỷ chịu nhục của người dân dưới ách đô hộ. Nhưng cuối đời nhà Ngô, vì thế lực suy yếu, nên đã có 12 sứ quân nổi dậy, đánh lẫn nhau, làm cho dân tình khổ sở. Các sứ quân đó, trong hơn 20 năm, vẫn xưng hùng xưng bá, không ai chịu phục ai. Kết cuộc, họ phải khuất phục dưới tay Vạn Thắng Vương Đnh Bộ Lĩnh, tức Đinh Tiên Hoàng sáng lập ra vương triều nhà Đinh. Phán xét sự tranh giành quyền lực của các sứ quân và cuộc chiến thắng của Đinh Bộ Lĩnh, dân gian đã tóm gọn trong câu ca dao:

Ở đời muôn sự của chung

Hơn nhau một tiếng anh hùng mà thôi

Thật vậy, ở đời muôn sự của chung, nhưng của chung đó không phải là ai cũng có thể chiếm hữu dễ dàng. Phải có tài năng hay mưu lược quyền biến.

Ngôi vua cuối cùng của nhà Lý thuộc về Lý Chiêu Hoàng, tức là Chiêu Thánh công chúa, con vua Lý Huệ Tôn, mới lên 7 tuổi. Quyền hành lúc đó ở trong tay Trần Thủ Độ. Và Thủ Độ đã làm chủ hôn cho cháu là Trần Cảnh lấy Chiêu Hoàng, để chuyển vương quyền qua nhà Trần. Quần chúng có lòng lưu luyến nhà Lý đã tỏ lòng công phẫn và mỉa mai trong câu ca truyền khẩu:

Trống chùa ai đánh thì thùng

Của chung ai khéo vẫy vùng thành riêng

Dưới đời vua Trần Anh Tông, vì lý do chính trị, đã gả em gái là Huyền Trân công chúa cho vua Chiêm là Chế Mân để đổi lấy 2 châu Ô, Lý (tức Địa Lý và Bố Chính), sau đổi tên là Thuận Châu và Hóa Châu. Người Việt vẫn có tinh thần kỳ thị chủng tộc, cho người Chiêm là giống man di, lên tiếng phản đối việc làm này của triều đình nhà Trần

Tiếc thay cây quế giữa rừng

Để cho thằng Mán thằng Mường nó leo

Quần chúng còn tiếc thương cho thân phận một vị công chúa, lá ngọc cành vàng, phải lấy chồng man rợ ở phương xa, qua ca khúc Nam Bình, vẫn lưu truyền ở cố đô Huế : 'Nước non ngàn dặm ra đi...'. Về sau, Chế Mân chết, vua Trần sai Trần Khắc Chung sang Chiêm tìm cách đưa Huyền Trân về nước để khỏi bị hỏa thiêu theo chồng (theo tục lệ Chiêm). Dư luận quần chúng có vẻ khắc nghiệt khi nghi ngờ về tình cảm của Trần Khắc Chung đối với công chúa Huyền Trân trên chặng đường thủy dài ngày đưa công chúa về nước. Người ta xót xa thân phận Huyền Trân, một lần nữa, qua tay Trần Khắc Chung.

Tiếc thay hột gạo trắng ngần

Đem vò nước đục lại vần lửa rơm

Nhưng đó chỉ là chuyện đồn đại trong dân gian, không có bằng chứng gì xác thực. Khi Lê Lợi dấy binh chống Minh, khởi đầu ở vùng Thanh Hóa, sau chiếm lĩnh Nghệ An để mở rộng khu vực chiến đấu, nhân dân đã phấn khởi ca ngợi vùng đất tự do ấy và cổ võ cuộc di dân vào vùng này:

Đường vô xứ Nghệ quanh quanh

Non xanh nước biếc như tranh họa đồ

Ai vô xứ Nghệ thì vô

Các biến cố lịch sử ảnh hưởng rất lớn đến đời sống dân chúng, nhất là loạn lạc. Chiến tranh gây cảnh điêu tàn, chết chóc, nhà tan cửa nát. Nhân dân chỉ biết kêu trời, bày tỏ nỗi oán thán:

Cái cò lặn lội bờ sông

Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non

Em về nuôi cái cùng con

Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng

Ấy là thảm cảnh của người dân phải thi hành nghĩa vụ tòng quân dưới thời Nam Bắc Triều, xảy ra cuộc chiến tranh Trịnh - Mạc. Cao Bằng là căn cứ địa trọng yếu của nhà Mạc. Người lính trong câu ca dao trên thuộc hàng ngũ quân Trịnh, được lệnh lên đường đánh quân Mạc, vỗ về vợ con trong buổi chia ly.

Từ khi Trịnh Tùng diệt được nhà Mạc, dù với danh nghĩa phù Lê, nhưng tập trung mọi quyền hành vào tay mình rồi xưng Chúa, vua Lê chỉ còn giữ hư vị. Trong lúc họ Trịnh xưng chúa ở miền Bắc, thì Nguyễn Hoàng được Trịnh Kiểm cho vào trấn thủ Thuận Hóa từ trước, gây dần thế lực, đến lúc vững mạnh cũng xưng chúa ở miền Nam. Rồi đôi bên gây nên cuộc Nam Bắc phân tranh, kéo dài đến non nửa thế kỷ. Họ đánh nhau liên miên, xây thành đắp lũy kiên cố, hiểm trở để phòng chống nhau, nên có câu tục ngữ:

Hiểm nhất lũy Thầy

Thứ nhì đồng lầy Võ Xá

Lũy Thầy tức là lũy Trường Dục, do Đào Duy Từ chỉ huy xây cất. Nhờ lũy này, quân Nguyễn mới chống cự được lâu dài với quân Trịnh, phải lặn lội đường xa, vất vả nên ở thế bất lợi trong việc tiến quân đánh Nguyễn. Cuộc nội chiến Nam Bắc giữa hai nhà Trịnh - Nguyễn kéo dài, nhưng hai phe cũng liên tục kế truyền nghiệp Chúa. Và cũng vì chiến tranh quá lâu dài nên sau cuộc ngưng chiến, với sông Gianh làm giới hạn hai miền Nam Bắc, họ Trịnh tổ chức một xã hội gần như thanh bình ở Bắc. Các vua chúa cũng như quần thần có mức sống xa xỉ, trụy lạc. Theo tập 'Vũ Trung Tùy Bút' của Phạm Đình Hổ, đời chúa Trịnh thứ 12 là Trịnh Sâm thường tổ chức nhiều cuộc vui chơi ở ly cung trên Tây Hồ, sai người xây cất luôn mãi. Mỗi lần vui chơi thì lại có binh lính hầu quanh hồ, các nội thần thì giả làm đàn bà và dân thì bày bán hàng hóa như ở chợ để vua quan mua sắm.

Cũng dưới triều Trịnh Sâm, phế bỏ con cả là Trịnh Khải, lập con thứ là Trịnh Cán làm thế tử (con của sủng phi Đặng Thị Huệ, thường gọi là Bà Chúa Chè), giao cho Huy Quận Công Hoàng Đình Bảo làm phụ chính. Khi Trịnh Sâm mất, đảng Trịnh Khải mưu với quân tam phủ nổi loạn, giết Quận Huy và được tam quân (thường gọi là loạn kiêu binh - hạng lính được ưu đãi, tuyển mộ ở Thanh Nghệ = Thanh cậy thế, Nghệ cậy thần) lập lên làm Chúa, tức là Đoan Nam Vương. Khi Trịnh Sâm còn sống, ham vui thú ăn chơi, nên mọi quyền hành ở tay Quận Huy. Ông này tự do ra vào cung cấm và có mối liên hệ bất chính với Tuyên phi Đặng Thị Huệ. Việc này không tránh khỏi búa rìu của dư luận quần chúng:

Ba quân có mắt như mờ

Để cho Huy Quận vào sờ chính cung

Khi viết tập 'Vũ Trung Tùy Bút', về việc chúa Trịnh ham mê hưởng lạc, bày cảnh vui chơi làm khổ dân với nhiều sai dịch, Phạm Đình Hổ đã cho là có sự bất tường. Cho nên hết đời Trịnh Sâm, các con ông là Trịnh Khải và Trịnh Cán vì tranh quyền đã gây rối loạn ở kinh thành. Trịnh Cán (con Tuyên phi Đặng Thị Huệ) mới được lập lên, với sự hỗ trợ của Quận Huy, chưa được hai tháng, thì bị anh là Trịnh Khải trừ diệt. Và các chúa Trịnh từ đó về sau cũng vì lý do nữ họa mà mất nghiệp:

Sự này chỉ tại Bà Chè

Cho Chúa mất nước cho Nghè làng xiêu

Về chuyện hai anh em họ Trịnh tương tàn, dân gian đã cố lời bàn tán:

Đục cùn thì giữ lấy tông

Đục long cán gãy còn mong nỗi gì

'Tông' ám chỉ tước hiệu của Trịnh Cán (Tông Đô Vương).

'Đục long cán gãy' là nghiệp chúa của Trịnh Cán không tồn tại bao lâu.

Lịch sử Việt Nam từ thế kỷ thứ 17 đến đầu thế kỷ thứ 19, suốt 200 năm là một chuỗi biến cố đẫm máu. Hết cuộc chiến tranh Trịnh Nguyễn, đến cuộc tương tranh Nguyễn - Tây Sơn. Từ lúc anh em Tây Sơn khởi nghĩa, chủ yếu là vua Quang Trung, lập nên một triều đại huy hoàng với nhiều võ công oanh liệt, nhưng khá ngắn ngủi:

Đầu cha lấy làm đuôi con

Mười bốn năm tròn hết số thì thôi

Tương truyền đây là một câu sấm ứng vào việc triều Tây Sơn mất nghiệp sau 14 năm. Đầu chữ Quang (- Quang Trung) lấy làm đuôi chữ Cảnh (- Cảnh Thịnh). Một câu ca dao khác , cũng cùng ý nghĩa:

Cha nhỏ đầu con nhỏ chân

Đến năm Nhâm Tuất (1802) thì thân chẳng còn

Chữ 'tiểu' ở trên đầu chữ Quang, ở chân chữ Cảnh. Trong xã hội Việt Nam ngày trước, có hạng sĩ phu, ở lẫn trong dân chúng, thường nhận định về các hoạt động của giới cầm quyền đương thời và đề xuất những câu sấm để tuyên truyền cho một phe phái nào đó. Câu sấm được truyền trong dân gian bằng cách dạy cho trẻ con hát khi nô đùa ở các nơi công cọng. Chẳng hạn câu sấm sau đây, dưới hình thức ca dao, được truyền là của các cựu thần nhà Mạc tổ chức chống Trịnh làm ra để liên lạc với các đồng chí tìm đến cơ sở ở mạn Bắc:

Ai lên Phố Cát Đại Đồng

Hỏi thăm cô Tú có chồng hay chưa ?

Có chồng năm ngoái năm xưa

Năm nay chồng bỏ như chưa có chồng

Dù chiến tranh xảy ra giữa hai miền Nam Bắc hết sức khốc liệt, nhưng hai họ Trịnh Nguyễn vẫn thực hiện những công cuộc phúc lợi ở vùng họ cai trị. Ở Nam, các chúa Nguyễn nhiều đời trấn thủ, mưu cầu an cư lạc nghiệp cho dân chúng. Dưới đời chúa Hiển Tông Nguyễn Phúc Chu, đường đi qua vùng Hồ Xá - Quảng Trị (tức truông nhà Hồ) thường có bọn cướp ẩn núp, cướp bóc kẻ qua đường. Năm 1722, Chúa sai ông Nguyễn Khoa Đăng, làm Nội Tán, đi đánh dẹp bọn cướp đó. Người dân ca tụng việc ấy, qua câu ca dao quen thuộc:

Nhớ em anh cũng muốn vô

Sợ truông nhà Hồ sợ phá Tam Giang

Phá Tam Giang ngày rày đã cạn

Truông nhà Hồ, Nội Tán cấm nghiêm

Phá Tam Giang ở huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên, nơi có 3 sông lớn của Huế (sông Ô Lâu, sông Bồ,sông Hương) chảy về rồi đổ ra cửa biển Thuận An. Phá này nhiều sóng lớn, thuyền bè qua lại khó khăn, về sau cạn đi. Sau một thời gian dài, suốt 25 năm, đấu tranh gian khổ, Chúa Nguyễn Ánh đã có thế vững mạnh, tiến quân ra Trung để chiến thắng Tây Sơn. Nhân dân miền Nam vốn có cảm tình với nhà Nguyễn đã truyền câu hát :

Lạy trời cho chóng gió nồm

Để cho Chúa Nguyễn giong buồm thẳng ra

Khi Chúa Nguyễn còn ở trong Nam, tổ chức cuộc Nam tiến vào đất Gia Định, khẩn hoang lập ấp. Dân chúng đồng lòng cổ võ:

Nhà Bè nước chảy rẽ hai

Ai về Gia Định Đồng Nai thì về

Vua Gia Long thống nhất sơn hà, lập nên triều Nguyễn, truyền được 13 đời vua. Kế tục sự nghiệp mở nước của Thế Tổ Gia Long, vua Minh Mạng đã có công dẹp các vụ nổi loạn ở Bắc và Nam, cũng như chống cự ngoại xâm (Xiêm), chiếm Chân Lạp, bảo hộ Ai Lao.

Về nội trị, vua chấn chỉnh luật pháp, chế độ, làm thành một nước có kỷ cương, văn hiến. Trong việc bảo vệ phong tục, vua đã chạm đến tinh thần bảo thủ của người dân miền Bắc, tức là cấm đàn bà mặc váy :

Tháng sáu có chiếu vua ra

Cấm quần không đáy người ta hãi hùng

Không đi thì chợ không đông

Đi thì phải lột quần chồng sao đang?

Dưới triều vua Tự Đức, nhiều biến cố trọng đại đã xảy ra. Từ những vụ nổi loạn ở miền Bắc, chủ trương phù Lê, như giặc Châu Chấu (có Cao Bá Quát làm quốc sư), Cai Tổng Vàng ở Bắc Ninh, giặc Khách ở Cao Bằng. Ở triều đình, có người anh vua Tự Đức là Hồng Bảo, âm mưu đoạt ngôi nhưng thất bại. Năm 1886, nhân dịp vua Tự Đức cho xây Khiêm Lăng ở Vạn Niên (Huế), ba anh em họ Đoàn (Đoàn Trưng, Đoàn Trực, Đoàn Ái) khai thác nỗi oán hận của người dân phải đi làm phu gian lao vất vả, nổi dậy chống triều đình. Họ khích động dân bằng câu ca dao:

Vạn niên là Vạn niên nào

Thành xây xương lính, hào đào máu dân.

Trong cuộc khởi nghĩa nầy, họ Đoàn tôn Đinh Đạo (con của Hồng Bảo - cải họ Đinh, sau khi Hồng Bảo bị tội, tự thắt cổ chết) làm minh chủ. Vụ này cũng không thành công. Ngoài các vụ nổi loạn, triều vua Tự Đức còn phải đối phó với cuộc xâm lăng của người Pháp.

Tự Đức là ông vua có tinh thần bảo thủ, từ khước đề nghị canh tân của các sĩ phu, nhất là Nguyễn Trường Tộ, nên vận nước có chiều suy vong. Vua Tự Đức chỉ là một nho sĩ thuần túy, có tiếng hay chữ nhất triều Nguyễn, ưa thích thi văn, ngâm vịnh. Dưới triều vua, có ông Lê Ngô Cát là một danh sĩ, đã soạn một bộ sử bằng văn vần là 'Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca'. Soạn xong, ông dâng lên vua Tự Đức ngự lãm. Vua xem rồi ban thưởng cho ông Cát:

Vua khen thằng Cát nó tài

Ban một cái khố với hai đồng tiền

Việc ban thưởng này, có lẽ do chuyện bàn tán giữa các đồng liêu với ông Cát ở triều đình, nhưng lại lọt ra ngoài, nên dân gian đã có lời phẩm bình mỉa mai trên, cho rằng vua Tự Đức không quí trọng văn tài của người khác. Sau khi vua Tự Đức mất, quyền hành ở triều đình Huế thuộc về hai ông Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường. Hai ông này trong bốn tháng đã phế và lập 3 vua: Dục Đức, Hiệp Hòa và Kiến Phúc. Cho nên thời đó, trong dân gian có câu, giữa lúc có sự tranh chấp giữa Pháp và Việt:

Nhất giang lưỡng quốc nan phân THUYẾT

Tứ nguyệt tam vương triệu bất TƯỜNG

Nghĩa là: Một sông hai nước (Việt - Pháp) không thể thương thuyết, bốn tháng ba vua điềm chẳng lành. (cuối 2 câu có tên hai ông Thuyết và Tường). Thời gian triều đình Huế khởi xướng công cuộc chống Pháp với các đại thần và các tướng lãnh, dù có tâm huyết nhưng thiếu kinh nghiệm lãnh đạo chiến tranh, nên dân chúng đã có lời bình phẩm có phần khắc nghiệt:

Nước Nam có bốn anh hùng

Tường gian Viêm dối Khiêm khùng Thuyết ngu

Tường là Nguyễn Văn Tường, trước sát cánh với Tôn Thất Thuyết chống Pháp, sau ra hàng. Viêm là Hoàng Kế Viêm, trước cũng chống Pháp, sau được vua Đồng Khánh phục chức và sai đi dụ hàng vua Hàm Nghi. Khiêm là Ông Ích Khiêm, một vị quan thời Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường chuyên quyền, vì tính khẳng khái, không luồn cúi cấp trên, làm phật ý hai ông Tường, Thuyết nên bị giam vào ngục. Dân gian nói ông Khiêm 'khùng' vì có tính khí khác thường, ngang bướng, không chịu khuất phục cường quyền. Và 'Thuyết ngu', ngụ ý cho rằng ông Thuyết là một kẻ 'hữu dũng vô mưu'. Dù sao, dư luận quần chúng cũng chê hai kẻ gian dối và khen hai người trung can, nghĩa khí.

Thời Pháp xâm lược nước ta, người dân không khỏi buồn lòng nhìn thế sự rối ren:

Đêm đêm chớp bể mưa nguồn

Hỏi người quân tử có buồn chăng ai ?

Nhất là cảnh quốc phá gia vong với một triều đại suy tàn :

Một nhà sinh đặng ba vua

Vua còn (Đồng Khánh) vua mất (Kiến Phúc) vua thua chạy dài (Hàm Nghi)

Tuy thua chạy dài, nhưng vua Hàm Nghi với sự phù trợ của Tôn Thất Thuyết và các trung thần, nghĩa sĩ đã phát hịch kêu gọi nhân dân hưởng ứng chống Pháp, khởi xướng phong trào Cần Vương ở khắp nơi. Tình trạng trong nước Việt lúc bấy giờ đã phân hóa làm hai:

Gẫm xem thế sự thêm rầu

Ở giữa Đồng Khánh, hai đầu Hàm Nghi

Ở giữa, tức là kinh đô Huế, hai đầu là Nghệ Tĩnh và Nam Ngãi, nơi phát triển phong trào Cần Vương.

Tinh thần ái quốc của người Việt vẫn liên tục sôi nổi. Dù công cuộc chống Pháp của vua Hàm Nghi bị thất bại, nhưng đến đời vua Thành Thái, âm mưu chống Pháp vẫn âm thầm trong trí vị vua đã từng giả điên giả cuồng để tránh mắt dò xét của người Pháp.Dân gian phát hiện một hành động của vị vua yêu nước này, mà người ta tưởng lầm là hành vi bất chính, khi vua vốn mang tiếng điên khùng:

Kim Long có gái mỹ miều

Trẫm thương trẫm nhớ trẫm liều trẫm đi

Tương truyền vua Thành Thái có tổ chức một đội nữ binh ở ngoại thành, một địa điểm bí mật ở vùng Kim Long và giao cho một vị tướng phụ trách huấn luyện để chờ dịp khởi nghĩa. Nhiều đêm vua xuất cung vi hành để đến xem xét kết quả của việc huấn luyện đó. Vua Duy Tân lên làm vua lúc mới 8 tuổi, nhưng lớn lên có chí khí và có lòng yêu nước mãnh liệt. Cũng như vua Thành Thái, vua Duy Tân có ý chống Pháp. Vua thường ra ngoài cung điện để xem xét dân tình và tìm cách liên lạc với các nhân sĩ. Đi dạo chơi trên bãi biển, tay vấy cát, người hầu lấy nước cho vua rửa. Vua nói: 'Tay nhớp (bẩn) lấy nước rửa, thế nước nhớp lấy gì mà rửa ?'.

Phong trào Văn Thân bí mật liên lạc với vua để tìm phương cứu quốc. Năm 1915, đảng Việt Nam Quang Phục cử Trần Cao Vân và Thái Phiên hợp tác với vua mưu đồ khởi sự. Họ hẹn gặp nhau trên bờ sông Ngự Hà, giả làm người đi câu để tránh tai mắt địch. Rồi mưu đồ phục quốc của vua Duy Tân cũng bị thất bại và vua phải đi đày. Người dân Huế thương tiếc vua cùng các nghĩa sĩ Trần Cao Vân và Thái Phiên đã hiến thân vì nước:

Chiều chiều ông Ngự ra câu

Cái ve cái chén cái bầu sau lưng

Và trên dòng Hương Giang, nhiều năm sau, trên các chuyến đò dọc, người ta còn nghe mấy câu hò trầm thống, bi đát, đầy tâm sự của kẻ mang hoài bão cứu nước không thành:

Trước bến Văn Lâu

Ai ngồi ai câu

Ai sầu ai thảm

Ai thương ai cảm

Ai nhớ ai mong

Thuyền ai thấp thoáng bên sông

Nghe câu mái đẩy chạnh lòng nước non.

*

Như trên đã nói, ca dao là phản ảnh một phần nào dư luận của quần chúng Việt Nam đối với các hiện tượng trong xã hội ở thời kỳ các phương tiện truyền thông bằng văn tự chưa phát triển. Với người dân, các hành vi của giới cầm quyền, cũng như hành động của các nhân vật trong nước, đều phải chịu sự bình phẩm, phán xét của công luận. Những hành vi có đạo đức, thiện tâm được khen ngợi, ca tụng, trái lại xấu xa, đê tiện đều bị chê bai, nguyền rủa.

Trăm năm bia đá cũng mòn

Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ

Ca dao, nhất là loại ca dao có liên quan đến lịch sử Việt Nam là tấm bia miệng để đời cho người ta ghi nhớ, là tấm gương cho nhiều thế hệ soi chung và bản thân những câu ca dao đócũng là những phán xét của lịch sử.

Tác giả Phương Nghi

---------------

Nguồn: ecadao.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thứ Ba, 15 tháng 3, 2011

Ca dao và Lịch sử



Ca dao, tục ngữ là tiếng nói của dân gian Việt, trải qua nhiều thời đại, từ thời xưa và đến cả thời nay. Ca dao, tục ngữ phản ảnh tâm tư, tình cảm của người dân trong sinh hoạt hằng ngày, không chỉ ở nơi đồng nội mà còn ở thành thị, kinh đô. Tuy là ngôn ngữ dân gian, nhưng ca dao, tục ngữ không phải là tiếng nói bình thường mà là ngôn ngữ có vần điệu, ngắn gọn và vì ngắn gọn, có vần điệu nên dễ phổ biến rộng rãi trong quần chúng.

Từ trước, người ta thường có quan niệm rằng ca dao, tục ngữ là văn chương bình dân, phát xuất từ nông thôn, thật sự ca dao tục ngữ là tiếng nói của nhiều tầng lớp dân chúng, và có lẽ phần lớn tác giả là những kẻ sĩ, cư ngụ ở khắp nơi, từ thành thị đến nông thôn.

Ca dao, tục ngữ là loại văn chương truyền khẩu, biểu hiện nhiều mặt sinh hoạt của quần chúng Việt Nam, nhất là về mặt tình cảm, nên trong ca dao rất phong phú khúc hát trữ tình. Ngoài ra, đặc biệt ca dao, tục ngữ còn biểu lộ những nhận định của dân chúng đối với những hành vi tốt, xấu của con người trong xã hội khi giao tiếp với nhau, hay bình luận, phê phán giới lãnh đạo trong chính quyền hiện tại, hoặc trong quá khứ, tức là những nhân vật lịch sử và các biến cố liên quan đến vận mệnh dân tộc và đất nước.

Trường hợp này, ca dao, tục ngữ có thể xem là một hình thức ngôn luận của quần chúng ở thời đại xưa, khi xã hội chưa phát triển, chưa có điều kiện phổ biến dư luận của người dân như là báo chí hoặc các hình thức thông tin trong thời đại mới, mặc dù từ trước đã có thư tịch nhưng chỉ là để chuyển tải văn chương, sử liệu, mô phạm (thánh mô hiền phạm) v...v...

Nho giáo từ Trung Quốc truyền sang đất Việt, qua giới nho sĩ, từ trước thường có quan niệm trọng nam khinh nữ (nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô). Nhưng đối với người dân Việt thì không có quan niệm kỳ thị đó, nhất là đối với hạng anh thư nữ kiệt.

Muốn coi lên núi mà coi

Coi bà quản tượng cỡi voi bành vàng

Rõ ràng câu ca dao này đã ca ngợi công đức chống ngoại xâm của Triệu Nữ Vương (tức là Triệu Thị Trinh - mà sử Tàu miệt thị gọi là Triệu Ẩu: Bà vú Triệu). Sau cuộc nổi dậy chống Tô Định của Hai Bà Trưng bị thất bại, Bà Triệu noi gương anh dũng đó đã phất cờ khởi nghĩa chống quân Đông Ngô. Khi Bà đánh giặc, mặc áo giáp vàng cỡi voi xông vào quân địch như vào chỗ không người, xưng danh hiệu là Nhụy Kiều tướng quân.

Sau một thời gian dài bị lệ thuộc Trung Hoa, Việt Nam giành được độc lập và Ngô Quyền thiết lập một vương triều tự chủ, sau hơn 10 thế kỷ chịu nhục của người dân dưới ách đô hộ. Nhưng cuối đời nhà Ngô, vì thế lực suy yếu, nên đã có 12 sứ quân nổi dậy, đánh lẫn nhau, làm cho dân tình khổ sở. Các sứ quân đó, trong hơn 20 năm, vẫn xưng hùng xưng bá, không ai chịu phục ai. Kết cuộc, họ phải khuất phục dưới tay Vạn Thắng Vương Đnh Bộ Lĩnh, tức Đinh Tiên Hoàng sáng lập ra vương triều nhà Đinh. Phán xét sự tranh giành quyền lực của các sứ quân và cuộc chiến thắng của Đinh Bộ Lĩnh, dân gian đã tóm gọn trong câu ca dao:

Ở đời muôn sự của chung

Hơn nhau một tiếng anh hùng mà thôi

Thật vậy, ở đời muôn sự của chung, nhưng của chung đó không phải là ai cũng có thể chiếm hữu dễ dàng. Phải có tài năng hay mưu lược quyền biến.

Ngôi vua cuối cùng của nhà Lý thuộc về Lý Chiêu Hoàng, tức là Chiêu Thánh công chúa, con vua Lý Huệ Tôn, mới lên 7 tuổi. Quyền hành lúc đó ở trong tay Trần Thủ Độ. Và Thủ Độ đã làm chủ hôn cho cháu là Trần Cảnh lấy Chiêu Hoàng, để chuyển vương quyền qua nhà Trần. Quần chúng có lòng lưu luyến nhà Lý đã tỏ lòng công phẫn và mỉa mai trong câu ca truyền khẩu:

Trống chùa ai đánh thì thùng

Của chung ai khéo vẫy vùng thành riêng

Dưới đời vua Trần Anh Tông, vì lý do chính trị, đã gả em gái là Huyền Trân công chúa cho vua Chiêm là Chế Mân để đổi lấy 2 châu Ô, Lý (tức Địa Lý và Bố Chính), sau đổi tên là Thuận Châu và Hóa Châu. Người Việt vẫn có tinh thần kỳ thị chủng tộc, cho người Chiêm là giống man di, lên tiếng phản đối việc làm này của triều đình nhà Trần

Tiếc thay cây quế giữa rừng

Để cho thằng Mán thằng Mường nó leo

Quần chúng còn tiếc thương cho thân phận một vị công chúa, lá ngọc cành vàng, phải lấy chồng man rợ ở phương xa, qua ca khúc Nam Bình, vẫn lưu truyền ở cố đô Huế : 'Nước non ngàn dặm ra đi...'. Về sau, Chế Mân chết, vua Trần sai Trần Khắc Chung sang Chiêm tìm cách đưa Huyền Trân về nước để khỏi bị hỏa thiêu theo chồng (theo tục lệ Chiêm). Dư luận quần chúng có vẻ khắc nghiệt khi nghi ngờ về tình cảm của Trần Khắc Chung đối với công chúa Huyền Trân trên chặng đường thủy dài ngày đưa công chúa về nước. Người ta xót xa thân phận Huyền Trân, một lần nữa, qua tay Trần Khắc Chung.

Tiếc thay hột gạo trắng ngần

Đem vò nước đục lại vần lửa rơm

Nhưng đó chỉ là chuyện đồn đại trong dân gian, không có bằng chứng gì xác thực. Khi Lê Lợi dấy binh chống Minh, khởi đầu ở vùng Thanh Hóa, sau chiếm lĩnh Nghệ An để mở rộng khu vực chiến đấu, nhân dân đã phấn khởi ca ngợi vùng đất tự do ấy và cổ võ cuộc di dân vào vùng này:

Đường vô xứ Nghệ quanh quanh

Non xanh nước biếc như tranh họa đồ

Ai vô xứ Nghệ thì vô

Các biến cố lịch sử ảnh hưởng rất lớn đến đời sống dân chúng, nhất là loạn lạc. Chiến tranh gây cảnh điêu tàn, chết chóc, nhà tan cửa nát. Nhân dân chỉ biết kêu trời, bày tỏ nỗi oán thán:

Cái cò lặn lội bờ sông

Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non

Em về nuôi cái cùng con

Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng

Ấy là thảm cảnh của người dân phải thi hành nghĩa vụ tòng quân dưới thời Nam Bắc Triều, xảy ra cuộc chiến tranh Trịnh - Mạc. Cao Bằng là căn cứ địa trọng yếu của nhà Mạc. Người lính trong câu ca dao trên thuộc hàng ngũ quân Trịnh, được lệnh lên đường đánh quân Mạc, vỗ về vợ con trong buổi chia ly.

Từ khi Trịnh Tùng diệt được nhà Mạc, dù với danh nghĩa phù Lê, nhưng tập trung mọi quyền hành vào tay mình rồi xưng Chúa, vua Lê chỉ còn giữ hư vị. Trong lúc họ Trịnh xưng chúa ở miền Bắc, thì Nguyễn Hoàng được Trịnh Kiểm cho vào trấn thủ Thuận Hóa từ trước, gây dần thế lực, đến lúc vững mạnh cũng xưng chúa ở miền Nam. Rồi đôi bên gây nên cuộc Nam Bắc phân tranh, kéo dài đến non nửa thế kỷ. Họ đánh nhau liên miên, xây thành đắp lũy kiên cố, hiểm trở để phòng chống nhau, nên có câu tục ngữ:

Hiểm nhất lũy Thầy

Thứ nhì đồng lầy Võ Xá

Lũy Thầy tức là lũy Trường Dục, do Đào Duy Từ chỉ huy xây cất. Nhờ lũy này, quân Nguyễn mới chống cự được lâu dài với quân Trịnh, phải lặn lội đường xa, vất vả nên ở thế bất lợi trong việc tiến quân đánh Nguyễn. Cuộc nội chiến Nam Bắc giữa hai nhà Trịnh - Nguyễn kéo dài, nhưng hai phe cũng liên tục kế truyền nghiệp Chúa. Và cũng vì chiến tranh quá lâu dài nên sau cuộc ngưng chiến, với sông Gianh làm giới hạn hai miền Nam Bắc, họ Trịnh tổ chức một xã hội gần như thanh bình ở Bắc. Các vua chúa cũng như quần thần có mức sống xa xỉ, trụy lạc. Theo tập 'Vũ Trung Tùy Bút' của Phạm Đình Hổ, đời chúa Trịnh thứ 12 là Trịnh Sâm thường tổ chức nhiều cuộc vui chơi ở ly cung trên Tây Hồ, sai người xây cất luôn mãi. Mỗi lần vui chơi thì lại có binh lính hầu quanh hồ, các nội thần thì giả làm đàn bà và dân thì bày bán hàng hóa như ở chợ để vua quan mua sắm.

Cũng dưới triều Trịnh Sâm, phế bỏ con cả là Trịnh Khải, lập con thứ là Trịnh Cán làm thế tử (con của sủng phi Đặng Thị Huệ, thường gọi là Bà Chúa Chè), giao cho Huy Quận Công Hoàng Đình Bảo làm phụ chính. Khi Trịnh Sâm mất, đảng Trịnh Khải mưu với quân tam phủ nổi loạn, giết Quận Huy và được tam quân (thường gọi là loạn kiêu binh - hạng lính được ưu đãi, tuyển mộ ở Thanh Nghệ = Thanh cậy thế, Nghệ cậy thần) lập lên làm Chúa, tức là Đoan Nam Vương. Khi Trịnh Sâm còn sống, ham vui thú ăn chơi, nên mọi quyền hành ở tay Quận Huy. Ông này tự do ra vào cung cấm và có mối liên hệ bất chính với Tuyên phi Đặng Thị Huệ. Việc này không tránh khỏi búa rìu của dư luận quần chúng:

Ba quân có mắt như mờ

Để cho Huy Quận vào sờ chính cung

Khi viết tập 'Vũ Trung Tùy Bút', về việc chúa Trịnh ham mê hưởng lạc, bày cảnh vui chơi làm khổ dân với nhiều sai dịch, Phạm Đình Hổ đã cho là có sự bất tường. Cho nên hết đời Trịnh Sâm, các con ông là Trịnh Khải và Trịnh Cán vì tranh quyền đã gây rối loạn ở kinh thành. Trịnh Cán (con Tuyên phi Đặng Thị Huệ) mới được lập lên, với sự hỗ trợ của Quận Huy, chưa được hai tháng, thì bị anh là Trịnh Khải trừ diệt. Và các chúa Trịnh từ đó về sau cũng vì lý do nữ họa mà mất nghiệp:

Sự này chỉ tại Bà Chè

Cho Chúa mất nước cho Nghè làng xiêu

Về chuyện hai anh em họ Trịnh tương tàn, dân gian đã cố lời bàn tán:

Đục cùn thì giữ lấy tông

Đục long cán gãy còn mong nỗi gì

'Tông' ám chỉ tước hiệu của Trịnh Cán (Tông Đô Vương).

'Đục long cán gãy' là nghiệp chúa của Trịnh Cán không tồn tại bao lâu.

Lịch sử Việt Nam từ thế kỷ thứ 17 đến đầu thế kỷ thứ 19, suốt 200 năm là một chuỗi biến cố đẫm máu. Hết cuộc chiến tranh Trịnh Nguyễn, đến cuộc tương tranh Nguyễn - Tây Sơn. Từ lúc anh em Tây Sơn khởi nghĩa, chủ yếu là vua Quang Trung, lập nên một triều đại huy hoàng với nhiều võ công oanh liệt, nhưng khá ngắn ngủi:

Đầu cha lấy làm đuôi con

Mười bốn năm tròn hết số thì thôi

Tương truyền đây là một câu sấm ứng vào việc triều Tây Sơn mất nghiệp sau 14 năm. Đầu chữ Quang (- Quang Trung) lấy làm đuôi chữ Cảnh (- Cảnh Thịnh). Một câu ca dao khác , cũng cùng ý nghĩa:

Cha nhỏ đầu con nhỏ chân

Đến năm Nhâm Tuất (1802) thì thân chẳng còn

Chữ 'tiểu' ở trên đầu chữ Quang, ở chân chữ Cảnh. Trong xã hội Việt Nam ngày trước, có hạng sĩ phu, ở lẫn trong dân chúng, thường nhận định về các hoạt động của giới cầm quyền đương thời và đề xuất những câu sấm để tuyên truyền cho một phe phái nào đó. Câu sấm được truyền trong dân gian bằng cách dạy cho trẻ con hát khi nô đùa ở các nơi công cọng. Chẳng hạn câu sấm sau đây, dưới hình thức ca dao, được truyền là của các cựu thần nhà Mạc tổ chức chống Trịnh làm ra để liên lạc với các đồng chí tìm đến cơ sở ở mạn Bắc:

Ai lên Phố Cát Đại Đồng

Hỏi thăm cô Tú có chồng hay chưa ?

Có chồng năm ngoái năm xưa

Năm nay chồng bỏ như chưa có chồng

Dù chiến tranh xảy ra giữa hai miền Nam Bắc hết sức khốc liệt, nhưng hai họ Trịnh Nguyễn vẫn thực hiện những công cuộc phúc lợi ở vùng họ cai trị. Ở Nam, các chúa Nguyễn nhiều đời trấn thủ, mưu cầu an cư lạc nghiệp cho dân chúng. Dưới đời chúa Hiển Tông Nguyễn Phúc Chu, đường đi qua vùng Hồ Xá - Quảng Trị (tức truông nhà Hồ) thường có bọn cướp ẩn núp, cướp bóc kẻ qua đường. Năm 1722, Chúa sai ông Nguyễn Khoa Đăng, làm Nội Tán, đi đánh dẹp bọn cướp đó. Người dân ca tụng việc ấy, qua câu ca dao quen thuộc:

Nhớ em anh cũng muốn vô

Sợ truông nhà Hồ sợ phá Tam Giang

Phá Tam Giang ngày rày đã cạn

Truông nhà Hồ, Nội Tán cấm nghiêm

Phá Tam Giang ở huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên, nơi có 3 sông lớn của Huế (sông Ô Lâu, sông Bồ,sông Hương) chảy về rồi đổ ra cửa biển Thuận An. Phá này nhiều sóng lớn, thuyền bè qua lại khó khăn, về sau cạn đi. Sau một thời gian dài, suốt 25 năm, đấu tranh gian khổ, Chúa Nguyễn Ánh đã có thế vững mạnh, tiến quân ra Trung để chiến thắng Tây Sơn. Nhân dân miền Nam vốn có cảm tình với nhà Nguyễn đã truyền câu hát :

Lạy trời cho chóng gió nồm

Để cho Chúa Nguyễn giong buồm thẳng ra

Khi Chúa Nguyễn còn ở trong Nam, tổ chức cuộc Nam tiến vào đất Gia Định, khẩn hoang lập ấp. Dân chúng đồng lòng cổ võ:

Nhà Bè nước chảy rẽ hai

Ai về Gia Định Đồng Nai thì về

Vua Gia Long thống nhất sơn hà, lập nên triều Nguyễn, truyền được 13 đời vua. Kế tục sự nghiệp mở nước của Thế Tổ Gia Long, vua Minh Mạng đã có công dẹp các vụ nổi loạn ở Bắc và Nam, cũng như chống cự ngoại xâm (Xiêm), chiếm Chân Lạp, bảo hộ Ai Lao.

Về nội trị, vua chấn chỉnh luật pháp, chế độ, làm thành một nước có kỷ cương, văn hiến. Trong việc bảo vệ phong tục, vua đã chạm đến tinh thần bảo thủ của người dân miền Bắc, tức là cấm đàn bà mặc váy :

Tháng sáu có chiếu vua ra

Cấm quần không đáy người ta hãi hùng

Không đi thì chợ không đông

Đi thì phải lột quần chồng sao đang?

Dưới triều vua Tự Đức, nhiều biến cố trọng đại đã xảy ra. Từ những vụ nổi loạn ở miền Bắc, chủ trương phù Lê, như giặc Châu Chấu (có Cao Bá Quát làm quốc sư), Cai Tổng Vàng ở Bắc Ninh, giặc Khách ở Cao Bằng. Ở triều đình, có người anh vua Tự Đức là Hồng Bảo, âm mưu đoạt ngôi nhưng thất bại. Năm 1886, nhân dịp vua Tự Đức cho xây Khiêm Lăng ở Vạn Niên (Huế), ba anh em họ Đoàn (Đoàn Trưng, Đoàn Trực, Đoàn Ái) khai thác nỗi oán hận của người dân phải đi làm phu gian lao vất vả, nổi dậy chống triều đình. Họ khích động dân bằng câu ca dao:

Vạn niên là Vạn niên nào

Thành xây xương lính, hào đào máu dân.

Trong cuộc khởi nghĩa nầy, họ Đoàn tôn Đinh Đạo (con của Hồng Bảo - cải họ Đinh, sau khi Hồng Bảo bị tội, tự thắt cổ chết) làm minh chủ. Vụ này cũng không thành công. Ngoài các vụ nổi loạn, triều vua Tự Đức còn phải đối phó với cuộc xâm lăng của người Pháp.

Tự Đức là ông vua có tinh thần bảo thủ, từ khước đề nghị canh tân của các sĩ phu, nhất là Nguyễn Trường Tộ, nên vận nước có chiều suy vong. Vua Tự Đức chỉ là một nho sĩ thuần túy, có tiếng hay chữ nhất triều Nguyễn, ưa thích thi văn, ngâm vịnh. Dưới triều vua, có ông Lê Ngô Cát là một danh sĩ, đã soạn một bộ sử bằng văn vần là 'Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca'. Soạn xong, ông dâng lên vua Tự Đức ngự lãm. Vua xem rồi ban thưởng cho ông Cát:

Vua khen thằng Cát nó tài

Ban một cái khố với hai đồng tiền

Việc ban thưởng này, có lẽ do chuyện bàn tán giữa các đồng liêu với ông Cát ở triều đình, nhưng lại lọt ra ngoài, nên dân gian đã có lời phẩm bình mỉa mai trên, cho rằng vua Tự Đức không quí trọng văn tài của người khác. Sau khi vua Tự Đức mất, quyền hành ở triều đình Huế thuộc về hai ông Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường. Hai ông này trong bốn tháng đã phế và lập 3 vua: Dục Đức, Hiệp Hòa và Kiến Phúc. Cho nên thời đó, trong dân gian có câu, giữa lúc có sự tranh chấp giữa Pháp và Việt:

Nhất giang lưỡng quốc nan phân THUYẾT

Tứ nguyệt tam vương triệu bất TƯỜNG

Nghĩa là: Một sông hai nước (Việt - Pháp) không thể thương thuyết, bốn tháng ba vua điềm chẳng lành. (cuối 2 câu có tên hai ông Thuyết và Tường). Thời gian triều đình Huế khởi xướng công cuộc chống Pháp với các đại thần và các tướng lãnh, dù có tâm huyết nhưng thiếu kinh nghiệm lãnh đạo chiến tranh, nên dân chúng đã có lời bình phẩm có phần khắc nghiệt:

Nước Nam có bốn anh hùng

Tường gian Viêm dối Khiêm khùng Thuyết ngu

Tường là Nguyễn Văn Tường, trước sát cánh với Tôn Thất Thuyết chống Pháp, sau ra hàng. Viêm là Hoàng Kế Viêm, trước cũng chống Pháp, sau được vua Đồng Khánh phục chức và sai đi dụ hàng vua Hàm Nghi. Khiêm là Ông Ích Khiêm, một vị quan thời Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường chuyên quyền, vì tính khẳng khái, không luồn cúi cấp trên, làm phật ý hai ông Tường, Thuyết nên bị giam vào ngục. Dân gian nói ông Khiêm 'khùng' vì có tính khí khác thường, ngang bướng, không chịu khuất phục cường quyền. Và 'Thuyết ngu', ngụ ý cho rằng ông Thuyết là một kẻ 'hữu dũng vô mưu'. Dù sao, dư luận quần chúng cũng chê hai kẻ gian dối và khen hai người trung can, nghĩa khí.

Thời Pháp xâm lược nước ta, người dân không khỏi buồn lòng nhìn thế sự rối ren:

Đêm đêm chớp bể mưa nguồn

Hỏi người quân tử có buồn chăng ai ?

Nhất là cảnh quốc phá gia vong với một triều đại suy tàn :

Một nhà sinh đặng ba vua

Vua còn (Đồng Khánh) vua mất (Kiến Phúc) vua thua chạy dài (Hàm Nghi)

Tuy thua chạy dài, nhưng vua Hàm Nghi với sự phù trợ của Tôn Thất Thuyết và các trung thần, nghĩa sĩ đã phát hịch kêu gọi nhân dân hưởng ứng chống Pháp, khởi xướng phong trào Cần Vương ở khắp nơi. Tình trạng trong nước Việt lúc bấy giờ đã phân hóa làm hai:

Gẫm xem thế sự thêm rầu

Ở giữa Đồng Khánh, hai đầu Hàm Nghi

Ở giữa, tức là kinh đô Huế, hai đầu là Nghệ Tĩnh và Nam Ngãi, nơi phát triển phong trào Cần Vương.

Tinh thần ái quốc của người Việt vẫn liên tục sôi nổi. Dù công cuộc chống Pháp của vua Hàm Nghi bị thất bại, nhưng đến đời vua Thành Thái, âm mưu chống Pháp vẫn âm thầm trong trí vị vua đã từng giả điên giả cuồng để tránh mắt dò xét của người Pháp.Dân gian phát hiện một hành động của vị vua yêu nước này, mà người ta tưởng lầm là hành vi bất chính, khi vua vốn mang tiếng điên khùng:

Kim Long có gái mỹ miều

Trẫm thương trẫm nhớ trẫm liều trẫm đi

Tương truyền vua Thành Thái có tổ chức một đội nữ binh ở ngoại thành, một địa điểm bí mật ở vùng Kim Long và giao cho một vị tướng phụ trách huấn luyện để chờ dịp khởi nghĩa. Nhiều đêm vua xuất cung vi hành để đến xem xét kết quả của việc huấn luyện đó. Vua Duy Tân lên làm vua lúc mới 8 tuổi, nhưng lớn lên có chí khí và có lòng yêu nước mãnh liệt. Cũng như vua Thành Thái, vua Duy Tân có ý chống Pháp. Vua thường ra ngoài cung điện để xem xét dân tình và tìm cách liên lạc với các nhân sĩ. Đi dạo chơi trên bãi biển, tay vấy cát, người hầu lấy nước cho vua rửa. Vua nói: 'Tay nhớp (bẩn) lấy nước rửa, thế nước nhớp lấy gì mà rửa ?'.

Phong trào Văn Thân bí mật liên lạc với vua để tìm phương cứu quốc. Năm 1915, đảng Việt Nam Quang Phục cử Trần Cao Vân và Thái Phiên hợp tác với vua mưu đồ khởi sự. Họ hẹn gặp nhau trên bờ sông Ngự Hà, giả làm người đi câu để tránh tai mắt địch. Rồi mưu đồ phục quốc của vua Duy Tân cũng bị thất bại và vua phải đi đày. Người dân Huế thương tiếc vua cùng các nghĩa sĩ Trần Cao Vân và Thái Phiên đã hiến thân vì nước:

Chiều chiều ông Ngự ra câu

Cái ve cái chén cái bầu sau lưng

Và trên dòng Hương Giang, nhiều năm sau, trên các chuyến đò dọc, người ta còn nghe mấy câu hò trầm thống, bi đát, đầy tâm sự của kẻ mang hoài bão cứu nước không thành:

Trước bến Văn Lâu

Ai ngồi ai câu

Ai sầu ai thảm

Ai thương ai cảm

Ai nhớ ai mong

Thuyền ai thấp thoáng bên sông

Nghe câu mái đẩy chạnh lòng nước non.

*

Như trên đã nói, ca dao là phản ảnh một phần nào dư luận của quần chúng Việt Nam đối với các hiện tượng trong xã hội ở thời kỳ các phương tiện truyền thông bằng văn tự chưa phát triển. Với người dân, các hành vi của giới cầm quyền, cũng như hành động của các nhân vật trong nước, đều phải chịu sự bình phẩm, phán xét của công luận. Những hành vi có đạo đức, thiện tâm được khen ngợi, ca tụng, trái lại xấu xa, đê tiện đều bị chê bai, nguyền rủa.

Trăm năm bia đá cũng mòn

Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ

Ca dao, nhất là loại ca dao có liên quan đến lịch sử Việt Nam là tấm bia miệng để đời cho người ta ghi nhớ, là tấm gương cho nhiều thế hệ soi chung và bản thân những câu ca dao đócũng là những phán xét của lịch sử.

Tác giả Phương Nghi

---------------

Nguồn: ecadao.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét