Thứ Ba, 15 tháng 3, 2011

“GIẢI MÔ BÀI CA DAO THẰNG BỜM (Nguyễn Trọng Bình)

“GIẢI MÔ BÀI CA DAO THẰNG BỜM (Nguyễn Trọng Bình) (10/03/2011)đăng trên lucbat.com

Một bài ca dao chỉ vỏn vẹn 10 câu thơ lục bát, thế nhưng để lĩnh hội nó là điều không đơn giản chút nào. Có thể nói, cho đến nay, có khá nhiều bài viết của các nhà nghiên cứu đề xuất những cách hiểu khác nhau về bài ca dao ngộ nghĩnh và đáng yêu này.

1. Những cách hiểu khác nhau về bài ca dao Thằng Bờm

Tựu trung lại đến thời điểm này, về cơ bản tồn tại 3 nhóm cách hiểu khác nhau về bài ca dao thằng Bờm, có thể tóm tắt như sau:

- Cách hiểu thứ nhất: Bài ca dao là tiếng cười đả kích, châm biếm nhân vật thằng Bờm - kẻ “ngu dốt”, “tham ăn, thực dụng”, tít mắt trước “nắm xôi” của lão Phú ông.

- Cách hiểu thứ hai: Bài ca dao là tiếng cười đả kích, châm biếm nhân vật Phú ông và ca ngợi nhân vật thằng Bờm - người “thông minh”. “Dân gian đã nhọc lòng sáng tạo ra Bờm, cho Bờm nhận một “hòn xôi” để gởi vào đấy một triết lý thật đơn giản mà cũng thật sâu sắc : tôi chỉ nhận đúng cái mình có, nếu nhận quá đi sẽ thành bi kịch.” (1)

- Cách hiểu thứ ba: Không chấp nhận hai cách hiểu trên, có người đề xuất cách hiểu bài ca dao thằng Bờm ở góc nhìn “khám phá những đặc trưng văn hóa mang tính bản sắc trong thái độ của Bờm và của Phú ông”. Tiêu biểu cho cách hiểu này là bài viết của Đỗ Minh Tuấn đăng cách nay cũng khá lâu trên báo Văn nghệ trẻ. Và theo Đỗ Minh Tuấn thì “Bài ca dao "Thằng Bờm", dù có ý thức hay không đã phát lộ khát vọng văn hóa trong con người Việt Nam là khát vọng lớn hơn khát vọng của cải. Quan hệ văn hóa đã lấn át quan hệ thương mại, dẫn đến cái giá trị hơn vàng bạc hay tiền của, khát vọng về đổi thay thân phận và đổi thay diện mạo lớn hơn khát vọng về tài sản. Cái quạt mo ở đây chính là biểu trưng của bản lĩnh văn hóa, không để mất văn hóa bằng mọi giá.” (2)

Nhìn lại 3 nhóm cách hiểu trên, có thể nói, tuy ít nhiều cũng đã có những kiến giải khá hợp lý nhưng nhìn chung cách hiểu nào cũng bộc lộ những hạn chế nhất định trong phương pháp tiếp cận vì vậy đưa đến các kết luận cuối cùng còn nhiều vấn đề chưa thỏa đáng. Nếu ở nhóm cách hiểu thứ nhất và thứ hai, do quá chú trọng đến việc “giải mã” nội dung xã hội (khá giản đơn và máy móc) của toàn bài ca dao mà cụ thể là xoay quanh cuộc “mặc cả” giữa Phú ông và thằng Bờm về “cái quạt mo” mà quên đi cái “không gian văn hóa” – môi trường ra đời và tồn tại của bài ca dao thì ở cách hiểu thứ 3 lại quá “sai sưa” trong việc “khám phá những đặc trưng văn hóa mang tính bản sắc trong thái độ của Bờm và của Phú ông” mà quên đi vấn đề đặc trưng của thể loại văn học dân gian. Với các tác phẩm văn học dân gian nói chung, nếu áp đặt cách tư duy của người hiện đại và lấy đó “giải mã” cho tư duy của tác giả dân gian thì e là cũng khó tạo được sự đồng thuận. Cho nên, từ “cái quạt mo” của thằng Bờm mà nâng lên thành “cái quạt mo - một siêu giá trị” văn hóa (hay“cái quạt mo ở đây chính là biểu trưng của bản lĩnh văn hóa, không để mất văn hóa bằng mọi giá”); và từ tiếng cười của thằng Bờm mà nâng lên thành “Nụ cười Bờm - một bản lĩnh nước đôi” như cách nói của Đỗ Minh Tuấn e là có gì đó hơi gượng gạo và mang nặng tính suy diễn.

Khắc phục những hạn chế trên, bài viết này sẽ đưa ra cách “giải mã” bài ca dao trên cơ sở tiếp thu những kiến giải hợp lý từ các quan điểm trước đó. Bên cạnh đó, là sự tôn trọng văn bản và nội dung của bài ca dao cũng như tôn trọng những đặc trưng về thi pháp và thể loại của tác phẩm văn học dân gian nói chung. Và theo chúng tôi thì để có thể “giải mã” được tinh thần của bài ca dao này, thiết nghĩ việc đầu tiên cần làm là phải “giải mã” cho được lai lịch của nhân vật Phú Ông và nhân vật thằng Bờm cũng như phải lý giải cho được vì sao nhân vật Phú Ông lại quyết tâm đổi cái quạt mo và đặc biệt là “giải mã” ý nghĩa tiếng cười của thằng Bờm trên cơ sở các đặc điểm về tính biểu trưng trong tác phẩm văn học dân gian này.

2. “Giải mã” lai lịch nhân vật Phú ông và thằng Bờm

Trước hết, chúng ta cùng đọc lại bài ca dao:

Thằng Bờm có cái quạt mo

Phú Ông xin đổi ba bò chín trâu

Bờm rằng: Bờm chẳng lấy trâu

Phú Ông xin đổi ao sâu cá mè.

Bờm rằng: Bờm chẳng lấy mè

Phú Ông xin đổi một bè gỗ lim.

Bờm rằng: Bờm chẳng lấy lim

Phú Ông xin đổi con chim đồi mồi

Bờm rằng: Bờm chẳng lấy mồi

Phú Ông xin đổi nắm xôi, Bờm cười!

Dựa vào văn bản bài ca dao cũng như trên cơ sở các tác phẩm văn học dân gian khác có nhắc đến nhân vật Phú Ông (Sự tích con Thạch Sùng, Giận mày tao ở với ai, Cây tre trăm đốt…) có thể phác họa lai lịch của nhân vật Phú Ông trong tư duy của tác giả dân gian nói chung và trong bài ca dao Thằng Bờm như sau:

- Phú Ông: Trong tư duy dân gian đó là những tên nhà giàu thời xưa với những đặc điểm như: tham lam, keo kiệt, bủn xỉn, ngu dốt và hay khoe khoang… mà tác giả dân gian có khi còn gọi là những tên “trọc phú”. Tùy vào hoàn cảnh cụ thế mà tác giả dân gian xây dựng nhân vật Phú Ông thông qua việc nhấn mạnh đặc điểm này hay đặc điểm kia hoặc có khi là tất cả các đặc điểm trên.

- Qua văn bản bài ca dao thằng Bờm, đặc biệt là qua cuộc “mặc cả” giữa lão Phú Ông với Thằng Bờm có thể thấy nhân vật Phú Ông được tác giả dân gian nhấn mạnh với tổng hợp các đặc điểm của một tên nhà giàu trọc phú là: giàu có, ngu dốt, tham lam và đặc biệt là rất hay khoe khoang. Đến đây hẳn có người sẽ thắc mắc, các đặc điểm giàu có, ngu dốt, tham lam là phải rồi nhưng dựa vào đâu để nói là nhân vật Phú Ông này hay khoe khoang? Vấn đề này chúng tôi xin sẽ giải thích ở phần sau. Bây giờ chúng ta tiếp tục đi tìm lai lịch nhân vật thằng Bờm.

Dựa vào văn bản bài ca dao và tính biểu trưng của văn học dân gian chúng ta có thể giải mã lai lịch nhân vật thằng Bờm trong bài ca dao này như sau:

- “Thằng Bờm” và “cái quạt mo” (tài sản duy nhất của nó) là hình ảnh mang tính biểu trưng nhằm nói về một hạng người nghèo khó, cùng đinh trong xã hội cũ mà tác giả dân gian xây dựng trong thế đối lập với hạng người giàu có là Phú Ông (với rất nhiều tài sản “ba bò chín trâu, ao sâu cá mè, một bè gỗ lim, con chim đồi mồi, nắm xôi…”)

- “Thằng Bờm” trong bài ca dao là một anh chàng tuy nghèo nhưng rất thông minh và có gì đó rất lém lĩnh bởi hắn chỉ có duy nhất “cái quạt mo” nhưng buộc lão Phú Ông phải “xuống nước” “năn nỉ”, “van xin” để đổi lấy bằng những tài sản quý giá.

Nói tóm lại, thông qua những hình ảnh biểu trưng như: “cái quạt mo” của thằng Bờm; hay những hình ảnh “ba bò chín trâu, ao sâu cá mè, một bè gỗ lim, con chim đồi mồi, nắm xôi…” của Phú Ông trong bài ca dao này tác giả dân gian trước hết muốn nói đến lên hai hạng người trong xã hội cũ trong thế đối lập đó là: gã trọc phú nhà giàu nhưng tham lam, ngu dốt rất hay khoe khoang và anh “dân đen” cùng đinh nhưng thông minh, lém lĩnh.

3. “Giải mã” vì sao Phú Ông lại “năn nỉ” thằng Bờm?

“Giải mã” vấn đề này chúng ta sẽ tiến thêm một bước rất quan trọng trong việc “giải mã” tinh thần chung của toàn bài ca dao.

Trước hết, đọc toàn bài ca dao chúng ta thấy lão Phú Ông giàu có với nhiều tài sản quý giá nhưng rất quyết tâm đi “năn nỉ” thằng Bờm để đổi lấy “cái quạt mo”. Hắn điên rồi chăng, hay cái quạt mo của thằng Bờm là “quạt thần”? Chắc chắn đều không phải, không có cơ sở nào để lý giải các điều ấy.

Thực ra Phú Ông không điên, “cái quạt mo” của thằng Bờm cũng không phải quạt thần gì cả. Tất cả chỉ vì cái tính tham lam, ngu dốt và nhất là rất hay khoe khoang của tên trọc phú mà ra. Nếu nhìn lại nhân vật Phú Ông trong bài ca dao này chúng ta sẽ thấy có gì đó giống với nhân vật Thạch Sùng – cũng là một tên Phú Ông sau khi đã qua cái thời “khố rách áo ôm” trong Sự tích con Thạch Sùng với câu châm ngôn quen thuộc“Thạch Sùng thiếu mẻ cá kho”. Trong sự tích này chúng ta hẳn đều biết Thạch Sùng sau khi giàu có và trở thành một Phú Ông giàu “nứt đố, đổ vách” hắn đã vênh váo với tất cả mọi người rằng nhà hắn “không thiếu một thứ gì” thế nhưng có người mang ra “mẻ cá kho” (hình ảnh biểu trưng cho cuộc sống của những người cùng đinh, nghèo khó) thì hắn mới vỡ lẽ. Trong cái nhìn tương tự có thể thấy, rất có thể bài ca dao thằng Bờm chính là những câu chuyện mà tác giả dân gian trước hết muốn châm biếm đả kích hạng người giàu có, ngu dốt và rất hay huênh hoang, tự đắc. Lão Phú Ông trong bài ca dao vì thế, không phải điên khi đem rất nhiều tài sản quý giá ra để đổi “cái quạt mo” của thằng Bờm mà đây là cuộc “đấu trí” của lão trọc phú ngu dốt, huênh hoang và kẻ cùng đinh nhưng thông minh, lém lĩnh. Lão trọc phú đã huênh hoang cho rằng nhà ta “cái gì cũng có” nhưng khi thằng Bờm trưng ra “cái quạt mo” thì lão mới tá hỏa. Nếu “Thạch Sùng thiếu mẻ cá kho” thì tên Phú Ông này thiếu cái “cái quạt mo” cũng không có gì là lạ và khó hiểu. Tuy nhiên, cái độc đáo trong bài ca dao thằng Bờm không phải chỉ có bao nhiêu đó. Không giống với truyện Thạch Sùng, tác giả dân gian trong bài ca dao Thằng Bờm còn tiến thêm bước nữa là để cho Lão Phú ông tìm cách sở hữu cái mà trong nhà hắn còn thiếu. Vấn đề là sở hữu bằng cách nào? Lẽ thường với vị thế trong xã hội có thể nói, những tên trọc phú thời xưa không khó để chiếm đoạt “cái quạt mo” của những hạng người cùng đinh, “thấp cổ bé miệng”. Tuy nhiên, với tư duy dân gian, và có lẽ cùng với cái khát vọng, cái ước mơ muốn sang bằng những nỗi bất công trong xã hội, tác giả dân gian đã rất thông minh dựng lên “kịch bản” Phú Ông phải đi “năn nỉ” thằng Bờm để có “cái quạt mo”. Đây là một bằng chứng cho chúng ta thấy sự phong phú trong trí tưởng tượng và nét đẹp của trí tuệ - tư duy dân gian ngàn đời của cha ông. Những tên trọc phú nhà giàu rồi sẽ có lúc nào đó cũng phải “xuống nước” năn nỉ kẻ cùng đinh. Có thể nói, với cách tư duy độc đáo này, tác giả dân gian đã để lại cho chúng ta một bài ca dao mang tính biểu trưng có ý nghĩa vô cùng sâu sắc và độc đáo.

Cho nên, chỉ có cách giải thích lão Phú ông trong bài ca dao Thằng Bờm là một tên trọc phú vừa ngu dốt vừa tham lam và đặc biệt là rất hay khoe khoang nên đã thua trí thằng Bờm là phù hợp với cái logic lão quyết tâm đem nhiều tài sản có giá trị ra để năn nỉ thằng Bờm đổi lấy “cái quạt mo” không có giá trị.

4. “Giải mã” cái cười của thằng Bờm.

Ngẫm lại bài ca dao, chúng ta thấy, nhờ nắm được “cái tẩy” tham lam, ngu dốt và nhất là hay khoe khoang, vênh váo của lão Phú Ông khi bảo rằng “nhà ta không thiếu thứ gì” nên thằng Bờm với trí thông minh và sự lém lĩnh đã dạy cho lão một bài học. Một “cái quạt mo” không có giá trị nhưng lại là vật còn thiếu trong nhà của tên Phú Ông. Thằng Bờm đã “cược” với lão như thế và lão đã thua. Nhưng với bản tính tham lam, ngu dốt, lão Phú Ông không ngần ngại vung tiền ra để sở hữu cho bằng được “cái quạt mo” (vì nếu đổi được sau này hắn sẽ càng có cơ hội huênh hoang hơn là giờ đây nhà ta chắc chắn sẽ không thiếu một thứ gì). Tuy nhiên, kết quả như thế nào thì mọi người đã rõ. Tên trọc phú trong cuộc “mặc cả” cuối cùng chỉ nhận duy nhất một “cái cười” của Thằng Bờm (kẻ cùng đinh lém lĩnh). Đến đây cho chúng ta thấy tư duy dân gian quả là rất “ghê gớm”. Một cái cười thật là thâm sâu, có một không hai!

Để “giải mã” cho cái cười của thằng Bờm trong bài ca dao này có một chi tiết vô cùng quan trọng mà chúng ta không thể bỏ qua đó là: trong quá trình “mặc cả” giữa lão Phú Ông và thằng Bờm, sau mỗi lần thằng Bờm “lắc đầu” không chịu đổi “cái quạt mo” cho lão thì giá trị của vật mà lão đem ra đổi lại hạ thấp dần. Theo logic thông thường điều này không phù hợp chút nào. Đầu tiên anh mang “ba bò chín trâu” ra đổi người ta không chấp nhận vậy anh phải nâng lên thành “mười bò, hai mươi trâu” mới hợp lẽ, đằng này anh lại hạ thấp xuống còn chỉ một “nắm xôi”. Giải thích vấn đề này như thế nào đây? Lâu nay các nhà nghiên cứu thường “lơ” vấn đề này khi đi vào phân tích bài ca dao này. Hoặc không thì có nhiều người để lý giải cho sự “thông minh” và tính “không tham lam” của thằng Bờm lại cho rằng thằng Bờm không bị mắc lừa lão Phú Ông, nó chỉ lấy “nắm xôi” là vật ngang giá với “cái quạt mo”. Hơn nữa lấy “nắm xôi” thì có thể bỏ vào mồm ngay lão Phú Ông nếu có đòi lại cũng không được.

Từ đó khái quát lên trong cuộc sống không nên quá tham lam, “chỉ nên nhận những gì mình xứng đáng được nhận”… Thực ra, những cách hiểu này là máy móc, hiểu như thế sẽ không thấy hết thâm ý của tác giả dân gian về cái cười của thằng Bờm ở câu thơ cuối. Vậy thì phải hiểu chi tiết này như thế nào đây? Như đã phân tích ở trên, lẽ thường khi anh đưa ra điều kiện đổi, người ta không chấp nhận thì anh phải tăng giá trị vật anh lấy ra đổi mới hợp logic. Cho nên, trong trường hợp này chúng ta phải hiểu là sau khi lão Phú Ông mang “ba bò chín trâu” ra đổi “cái quạt mo” nhưng thằng Bờm không chịu đổi, tiếp theo lão lại bảo “thế thì tao cộng thêm cho mày “một ao sâu cá mè” nữa nhé” nhưng thằng Bờm vẫn không chịu đổi. Và cứ như thế lão Phú Ông lại cộng thêm, cộng thêm mãi cho đến cái tài sản có giá trị nhỏ nhất trong nhà lão là “nắm xôi” nhưng rồi cuối cùng thằng Bờm chỉ trả lời lão bằng duy nhất một nụ cười mà thôi. Phải hiểu như thế này chúng ta mới có thể “giải mã” cho cái cười của Thằng Bờm và đồng thời cũng là “giải mã” cho cái cười thể hiện vẻ đẹp của trí tuệ và tư duy dân gian của người xưa: dù thằng Bờm cười - đồng ý hay cười - không đồng ý đổi “cái quạt mo” thì trong cuộc đấu trí giữa tên “trọc phú” và anh “dân đen” cuối cùng tên trọc phú cũng thua một cách thật thảm hại và nhục nhã. Bởi vì:

Thứ nhất: Đường đường là một Phú Ông vốn luôn tự đắc “nhà ta không thiếu thứ gì” nhưng hóa ra lại không có “cái quạt mo” như nhà thằng Bờm.

Thứ hai: Đường đường là một Phú Ông nổi tiếng giàu có nhưng phải hạ mình đi “năn nỉ” một thằng dân đen nghèo mạt rệp.

Thứ ba: tất cả tài sản của lão Phú Ông suy cho cùng cũng chỉ ngang bằng “cái quạt mo” của thằng dân đen (trường hợp thằng Bờm cười và đồng ý đổi) hay tệ hại hơn là không bằng một “cái quạt mo” của thằng dân đen (trường hợp thằng Bờm cười nhưng không đồng ý đổi). Điều này quả là quá nhục nhã.

5. Kết luận chung hay là việc “giải mã” những tầng bậc ý nghĩa của bài ca dao Thằng Bờm

Trên cơ sở những phân tích nhằm “giải mã” lai lịch lão Phú Ông, “giải mã” lai lịch thằng Bờm; “giải mã” vì sao Phú Ông lại đem những tài sản có giá trị của mình để đổi lấy “cái quạt mo”; “giải mã” tiếng cười của thằng Bờm… có thể rút ra những kết luận “giải mã” toàn bài ca dao thằng Bờm (tùy vào mỗi góc nhìn) với những cấp độ ý nghĩa như sau:

5.1 Bài ca dao Thằng Bờm là tiếng cười châm biếm, đả kích những hạng người giàu có nhưng tham lam, ngu dốt và đặc biệt là rất hay khoe khoang, vênh váo, tự đắc, mình là số một trong thiên hạ – một dạng “trọc phú” hay “trưởng giả học làm sang” trong xã hội mà Đông Tây, kim, cổ đều có.

5.2 Trong cái nhìn của người xưa, bài ca dao Thằng Bờm ở góc độ nào đó phản ánh sự bất công trong xã hội (Phú Ông – đại diện cho bọn “trọc phú” giàu có lắm bạc nhiều tiền sẵn sàng vung ra mua lấy cái danh hão nhằm thỏa mãn cho những thú vui ích kỷ của bản thân trong khi đó Thằng Bờm – đại diện cho những con người nghèo khó cơ cực không có một tài sản gì quý giá). Tiếng cười của thằng Bờm ở cuối bài ca dao là tiếng cười để tác giả dân gian qua đó bộc lộ những khát vọng, những ước mơ chính đáng về một cuộc sống, một xã hội công bằng, dân chủ.

5.3 Qua cuộc mặc cả giữa Phú Ông và thằng Bờm, bài ca dao thể hiện một triết lý nhân sinh có ý nghĩa muôn thuở của người xưa đó là: trong cuộc sống không phải anh có tiền, có của là anh muốn gì cũng được, mua gì cũng được, đổi gì cũng được, làm gì cũng được...

5.4 Nhìn ở góc độ văn hóa, bài ca dao Thằng Bờm một lần nữa khẳng định chiều sâu của vẻ đẹp trí tuệ và tư duy dân gian sâu sắc và độc đáo của người xưa: những kẻ mà trong cuộc sống tuy giàu về tiền bạc, của cải nhưng chưa chắc đã “giàu” về trí tuệ, ngược lại những người nghèo khó về tiền bạc nhưng có khi họ rất “giàu” về trí tuệ. Hay nói cách khác đó là cách nói “nhân vô thập toàn” của người xưa.

Cần Thơ, 13/2/2011

Nguyễn Trọng Bình

--------------------------------

Ghi chú: Bài đã đăng trên tạp chí Kiến thức ngày nay


(1) Thằng Bờm có cái quạt mo – Bài của Lê Tiến Dũng in trên lần đầu trên Kiến thức ngày nay năm 1997 được chúng tôi trích dẫn lại từ trang web khoavanhoc-ngonngu.edu.vn của Khoa văn học và ngôn ngữ, trường Đại học KHXH& Nhân văn TP. Hồ Chí Minh.

(2) Một cách hiểu về bài ca dao thằng Bờm – Bài của Đỗ Minh Tuấn in lần đầu trên Văn nghệ trẻ được chúng tôi trích dẫn lại từ trang web suutap.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thứ Ba, 15 tháng 3, 2011

“GIẢI MÔ BÀI CA DAO THẰNG BỜM (Nguyễn Trọng Bình)

“GIẢI MÔ BÀI CA DAO THẰNG BỜM (Nguyễn Trọng Bình) (10/03/2011)đăng trên lucbat.com

Một bài ca dao chỉ vỏn vẹn 10 câu thơ lục bát, thế nhưng để lĩnh hội nó là điều không đơn giản chút nào. Có thể nói, cho đến nay, có khá nhiều bài viết của các nhà nghiên cứu đề xuất những cách hiểu khác nhau về bài ca dao ngộ nghĩnh và đáng yêu này.

1. Những cách hiểu khác nhau về bài ca dao Thằng Bờm

Tựu trung lại đến thời điểm này, về cơ bản tồn tại 3 nhóm cách hiểu khác nhau về bài ca dao thằng Bờm, có thể tóm tắt như sau:

- Cách hiểu thứ nhất: Bài ca dao là tiếng cười đả kích, châm biếm nhân vật thằng Bờm - kẻ “ngu dốt”, “tham ăn, thực dụng”, tít mắt trước “nắm xôi” của lão Phú ông.

- Cách hiểu thứ hai: Bài ca dao là tiếng cười đả kích, châm biếm nhân vật Phú ông và ca ngợi nhân vật thằng Bờm - người “thông minh”. “Dân gian đã nhọc lòng sáng tạo ra Bờm, cho Bờm nhận một “hòn xôi” để gởi vào đấy một triết lý thật đơn giản mà cũng thật sâu sắc : tôi chỉ nhận đúng cái mình có, nếu nhận quá đi sẽ thành bi kịch.” (1)

- Cách hiểu thứ ba: Không chấp nhận hai cách hiểu trên, có người đề xuất cách hiểu bài ca dao thằng Bờm ở góc nhìn “khám phá những đặc trưng văn hóa mang tính bản sắc trong thái độ của Bờm và của Phú ông”. Tiêu biểu cho cách hiểu này là bài viết của Đỗ Minh Tuấn đăng cách nay cũng khá lâu trên báo Văn nghệ trẻ. Và theo Đỗ Minh Tuấn thì “Bài ca dao "Thằng Bờm", dù có ý thức hay không đã phát lộ khát vọng văn hóa trong con người Việt Nam là khát vọng lớn hơn khát vọng của cải. Quan hệ văn hóa đã lấn át quan hệ thương mại, dẫn đến cái giá trị hơn vàng bạc hay tiền của, khát vọng về đổi thay thân phận và đổi thay diện mạo lớn hơn khát vọng về tài sản. Cái quạt mo ở đây chính là biểu trưng của bản lĩnh văn hóa, không để mất văn hóa bằng mọi giá.” (2)

Nhìn lại 3 nhóm cách hiểu trên, có thể nói, tuy ít nhiều cũng đã có những kiến giải khá hợp lý nhưng nhìn chung cách hiểu nào cũng bộc lộ những hạn chế nhất định trong phương pháp tiếp cận vì vậy đưa đến các kết luận cuối cùng còn nhiều vấn đề chưa thỏa đáng. Nếu ở nhóm cách hiểu thứ nhất và thứ hai, do quá chú trọng đến việc “giải mã” nội dung xã hội (khá giản đơn và máy móc) của toàn bài ca dao mà cụ thể là xoay quanh cuộc “mặc cả” giữa Phú ông và thằng Bờm về “cái quạt mo” mà quên đi cái “không gian văn hóa” – môi trường ra đời và tồn tại của bài ca dao thì ở cách hiểu thứ 3 lại quá “sai sưa” trong việc “khám phá những đặc trưng văn hóa mang tính bản sắc trong thái độ của Bờm và của Phú ông” mà quên đi vấn đề đặc trưng của thể loại văn học dân gian. Với các tác phẩm văn học dân gian nói chung, nếu áp đặt cách tư duy của người hiện đại và lấy đó “giải mã” cho tư duy của tác giả dân gian thì e là cũng khó tạo được sự đồng thuận. Cho nên, từ “cái quạt mo” của thằng Bờm mà nâng lên thành “cái quạt mo - một siêu giá trị” văn hóa (hay“cái quạt mo ở đây chính là biểu trưng của bản lĩnh văn hóa, không để mất văn hóa bằng mọi giá”); và từ tiếng cười của thằng Bờm mà nâng lên thành “Nụ cười Bờm - một bản lĩnh nước đôi” như cách nói của Đỗ Minh Tuấn e là có gì đó hơi gượng gạo và mang nặng tính suy diễn.

Khắc phục những hạn chế trên, bài viết này sẽ đưa ra cách “giải mã” bài ca dao trên cơ sở tiếp thu những kiến giải hợp lý từ các quan điểm trước đó. Bên cạnh đó, là sự tôn trọng văn bản và nội dung của bài ca dao cũng như tôn trọng những đặc trưng về thi pháp và thể loại của tác phẩm văn học dân gian nói chung. Và theo chúng tôi thì để có thể “giải mã” được tinh thần của bài ca dao này, thiết nghĩ việc đầu tiên cần làm là phải “giải mã” cho được lai lịch của nhân vật Phú Ông và nhân vật thằng Bờm cũng như phải lý giải cho được vì sao nhân vật Phú Ông lại quyết tâm đổi cái quạt mo và đặc biệt là “giải mã” ý nghĩa tiếng cười của thằng Bờm trên cơ sở các đặc điểm về tính biểu trưng trong tác phẩm văn học dân gian này.

2. “Giải mã” lai lịch nhân vật Phú ông và thằng Bờm

Trước hết, chúng ta cùng đọc lại bài ca dao:

Thằng Bờm có cái quạt mo

Phú Ông xin đổi ba bò chín trâu

Bờm rằng: Bờm chẳng lấy trâu

Phú Ông xin đổi ao sâu cá mè.

Bờm rằng: Bờm chẳng lấy mè

Phú Ông xin đổi một bè gỗ lim.

Bờm rằng: Bờm chẳng lấy lim

Phú Ông xin đổi con chim đồi mồi

Bờm rằng: Bờm chẳng lấy mồi

Phú Ông xin đổi nắm xôi, Bờm cười!

Dựa vào văn bản bài ca dao cũng như trên cơ sở các tác phẩm văn học dân gian khác có nhắc đến nhân vật Phú Ông (Sự tích con Thạch Sùng, Giận mày tao ở với ai, Cây tre trăm đốt…) có thể phác họa lai lịch của nhân vật Phú Ông trong tư duy của tác giả dân gian nói chung và trong bài ca dao Thằng Bờm như sau:

- Phú Ông: Trong tư duy dân gian đó là những tên nhà giàu thời xưa với những đặc điểm như: tham lam, keo kiệt, bủn xỉn, ngu dốt và hay khoe khoang… mà tác giả dân gian có khi còn gọi là những tên “trọc phú”. Tùy vào hoàn cảnh cụ thế mà tác giả dân gian xây dựng nhân vật Phú Ông thông qua việc nhấn mạnh đặc điểm này hay đặc điểm kia hoặc có khi là tất cả các đặc điểm trên.

- Qua văn bản bài ca dao thằng Bờm, đặc biệt là qua cuộc “mặc cả” giữa lão Phú Ông với Thằng Bờm có thể thấy nhân vật Phú Ông được tác giả dân gian nhấn mạnh với tổng hợp các đặc điểm của một tên nhà giàu trọc phú là: giàu có, ngu dốt, tham lam và đặc biệt là rất hay khoe khoang. Đến đây hẳn có người sẽ thắc mắc, các đặc điểm giàu có, ngu dốt, tham lam là phải rồi nhưng dựa vào đâu để nói là nhân vật Phú Ông này hay khoe khoang? Vấn đề này chúng tôi xin sẽ giải thích ở phần sau. Bây giờ chúng ta tiếp tục đi tìm lai lịch nhân vật thằng Bờm.

Dựa vào văn bản bài ca dao và tính biểu trưng của văn học dân gian chúng ta có thể giải mã lai lịch nhân vật thằng Bờm trong bài ca dao này như sau:

- “Thằng Bờm” và “cái quạt mo” (tài sản duy nhất của nó) là hình ảnh mang tính biểu trưng nhằm nói về một hạng người nghèo khó, cùng đinh trong xã hội cũ mà tác giả dân gian xây dựng trong thế đối lập với hạng người giàu có là Phú Ông (với rất nhiều tài sản “ba bò chín trâu, ao sâu cá mè, một bè gỗ lim, con chim đồi mồi, nắm xôi…”)

- “Thằng Bờm” trong bài ca dao là một anh chàng tuy nghèo nhưng rất thông minh và có gì đó rất lém lĩnh bởi hắn chỉ có duy nhất “cái quạt mo” nhưng buộc lão Phú Ông phải “xuống nước” “năn nỉ”, “van xin” để đổi lấy bằng những tài sản quý giá.

Nói tóm lại, thông qua những hình ảnh biểu trưng như: “cái quạt mo” của thằng Bờm; hay những hình ảnh “ba bò chín trâu, ao sâu cá mè, một bè gỗ lim, con chim đồi mồi, nắm xôi…” của Phú Ông trong bài ca dao này tác giả dân gian trước hết muốn nói đến lên hai hạng người trong xã hội cũ trong thế đối lập đó là: gã trọc phú nhà giàu nhưng tham lam, ngu dốt rất hay khoe khoang và anh “dân đen” cùng đinh nhưng thông minh, lém lĩnh.

3. “Giải mã” vì sao Phú Ông lại “năn nỉ” thằng Bờm?

“Giải mã” vấn đề này chúng ta sẽ tiến thêm một bước rất quan trọng trong việc “giải mã” tinh thần chung của toàn bài ca dao.

Trước hết, đọc toàn bài ca dao chúng ta thấy lão Phú Ông giàu có với nhiều tài sản quý giá nhưng rất quyết tâm đi “năn nỉ” thằng Bờm để đổi lấy “cái quạt mo”. Hắn điên rồi chăng, hay cái quạt mo của thằng Bờm là “quạt thần”? Chắc chắn đều không phải, không có cơ sở nào để lý giải các điều ấy.

Thực ra Phú Ông không điên, “cái quạt mo” của thằng Bờm cũng không phải quạt thần gì cả. Tất cả chỉ vì cái tính tham lam, ngu dốt và nhất là rất hay khoe khoang của tên trọc phú mà ra. Nếu nhìn lại nhân vật Phú Ông trong bài ca dao này chúng ta sẽ thấy có gì đó giống với nhân vật Thạch Sùng – cũng là một tên Phú Ông sau khi đã qua cái thời “khố rách áo ôm” trong Sự tích con Thạch Sùng với câu châm ngôn quen thuộc“Thạch Sùng thiếu mẻ cá kho”. Trong sự tích này chúng ta hẳn đều biết Thạch Sùng sau khi giàu có và trở thành một Phú Ông giàu “nứt đố, đổ vách” hắn đã vênh váo với tất cả mọi người rằng nhà hắn “không thiếu một thứ gì” thế nhưng có người mang ra “mẻ cá kho” (hình ảnh biểu trưng cho cuộc sống của những người cùng đinh, nghèo khó) thì hắn mới vỡ lẽ. Trong cái nhìn tương tự có thể thấy, rất có thể bài ca dao thằng Bờm chính là những câu chuyện mà tác giả dân gian trước hết muốn châm biếm đả kích hạng người giàu có, ngu dốt và rất hay huênh hoang, tự đắc. Lão Phú Ông trong bài ca dao vì thế, không phải điên khi đem rất nhiều tài sản quý giá ra để đổi “cái quạt mo” của thằng Bờm mà đây là cuộc “đấu trí” của lão trọc phú ngu dốt, huênh hoang và kẻ cùng đinh nhưng thông minh, lém lĩnh. Lão trọc phú đã huênh hoang cho rằng nhà ta “cái gì cũng có” nhưng khi thằng Bờm trưng ra “cái quạt mo” thì lão mới tá hỏa. Nếu “Thạch Sùng thiếu mẻ cá kho” thì tên Phú Ông này thiếu cái “cái quạt mo” cũng không có gì là lạ và khó hiểu. Tuy nhiên, cái độc đáo trong bài ca dao thằng Bờm không phải chỉ có bao nhiêu đó. Không giống với truyện Thạch Sùng, tác giả dân gian trong bài ca dao Thằng Bờm còn tiến thêm bước nữa là để cho Lão Phú ông tìm cách sở hữu cái mà trong nhà hắn còn thiếu. Vấn đề là sở hữu bằng cách nào? Lẽ thường với vị thế trong xã hội có thể nói, những tên trọc phú thời xưa không khó để chiếm đoạt “cái quạt mo” của những hạng người cùng đinh, “thấp cổ bé miệng”. Tuy nhiên, với tư duy dân gian, và có lẽ cùng với cái khát vọng, cái ước mơ muốn sang bằng những nỗi bất công trong xã hội, tác giả dân gian đã rất thông minh dựng lên “kịch bản” Phú Ông phải đi “năn nỉ” thằng Bờm để có “cái quạt mo”. Đây là một bằng chứng cho chúng ta thấy sự phong phú trong trí tưởng tượng và nét đẹp của trí tuệ - tư duy dân gian ngàn đời của cha ông. Những tên trọc phú nhà giàu rồi sẽ có lúc nào đó cũng phải “xuống nước” năn nỉ kẻ cùng đinh. Có thể nói, với cách tư duy độc đáo này, tác giả dân gian đã để lại cho chúng ta một bài ca dao mang tính biểu trưng có ý nghĩa vô cùng sâu sắc và độc đáo.

Cho nên, chỉ có cách giải thích lão Phú ông trong bài ca dao Thằng Bờm là một tên trọc phú vừa ngu dốt vừa tham lam và đặc biệt là rất hay khoe khoang nên đã thua trí thằng Bờm là phù hợp với cái logic lão quyết tâm đem nhiều tài sản có giá trị ra để năn nỉ thằng Bờm đổi lấy “cái quạt mo” không có giá trị.

4. “Giải mã” cái cười của thằng Bờm.

Ngẫm lại bài ca dao, chúng ta thấy, nhờ nắm được “cái tẩy” tham lam, ngu dốt và nhất là hay khoe khoang, vênh váo của lão Phú Ông khi bảo rằng “nhà ta không thiếu thứ gì” nên thằng Bờm với trí thông minh và sự lém lĩnh đã dạy cho lão một bài học. Một “cái quạt mo” không có giá trị nhưng lại là vật còn thiếu trong nhà của tên Phú Ông. Thằng Bờm đã “cược” với lão như thế và lão đã thua. Nhưng với bản tính tham lam, ngu dốt, lão Phú Ông không ngần ngại vung tiền ra để sở hữu cho bằng được “cái quạt mo” (vì nếu đổi được sau này hắn sẽ càng có cơ hội huênh hoang hơn là giờ đây nhà ta chắc chắn sẽ không thiếu một thứ gì). Tuy nhiên, kết quả như thế nào thì mọi người đã rõ. Tên trọc phú trong cuộc “mặc cả” cuối cùng chỉ nhận duy nhất một “cái cười” của Thằng Bờm (kẻ cùng đinh lém lĩnh). Đến đây cho chúng ta thấy tư duy dân gian quả là rất “ghê gớm”. Một cái cười thật là thâm sâu, có một không hai!

Để “giải mã” cho cái cười của thằng Bờm trong bài ca dao này có một chi tiết vô cùng quan trọng mà chúng ta không thể bỏ qua đó là: trong quá trình “mặc cả” giữa lão Phú Ông và thằng Bờm, sau mỗi lần thằng Bờm “lắc đầu” không chịu đổi “cái quạt mo” cho lão thì giá trị của vật mà lão đem ra đổi lại hạ thấp dần. Theo logic thông thường điều này không phù hợp chút nào. Đầu tiên anh mang “ba bò chín trâu” ra đổi người ta không chấp nhận vậy anh phải nâng lên thành “mười bò, hai mươi trâu” mới hợp lẽ, đằng này anh lại hạ thấp xuống còn chỉ một “nắm xôi”. Giải thích vấn đề này như thế nào đây? Lâu nay các nhà nghiên cứu thường “lơ” vấn đề này khi đi vào phân tích bài ca dao này. Hoặc không thì có nhiều người để lý giải cho sự “thông minh” và tính “không tham lam” của thằng Bờm lại cho rằng thằng Bờm không bị mắc lừa lão Phú Ông, nó chỉ lấy “nắm xôi” là vật ngang giá với “cái quạt mo”. Hơn nữa lấy “nắm xôi” thì có thể bỏ vào mồm ngay lão Phú Ông nếu có đòi lại cũng không được.

Từ đó khái quát lên trong cuộc sống không nên quá tham lam, “chỉ nên nhận những gì mình xứng đáng được nhận”… Thực ra, những cách hiểu này là máy móc, hiểu như thế sẽ không thấy hết thâm ý của tác giả dân gian về cái cười của thằng Bờm ở câu thơ cuối. Vậy thì phải hiểu chi tiết này như thế nào đây? Như đã phân tích ở trên, lẽ thường khi anh đưa ra điều kiện đổi, người ta không chấp nhận thì anh phải tăng giá trị vật anh lấy ra đổi mới hợp logic. Cho nên, trong trường hợp này chúng ta phải hiểu là sau khi lão Phú Ông mang “ba bò chín trâu” ra đổi “cái quạt mo” nhưng thằng Bờm không chịu đổi, tiếp theo lão lại bảo “thế thì tao cộng thêm cho mày “một ao sâu cá mè” nữa nhé” nhưng thằng Bờm vẫn không chịu đổi. Và cứ như thế lão Phú Ông lại cộng thêm, cộng thêm mãi cho đến cái tài sản có giá trị nhỏ nhất trong nhà lão là “nắm xôi” nhưng rồi cuối cùng thằng Bờm chỉ trả lời lão bằng duy nhất một nụ cười mà thôi. Phải hiểu như thế này chúng ta mới có thể “giải mã” cho cái cười của Thằng Bờm và đồng thời cũng là “giải mã” cho cái cười thể hiện vẻ đẹp của trí tuệ và tư duy dân gian của người xưa: dù thằng Bờm cười - đồng ý hay cười - không đồng ý đổi “cái quạt mo” thì trong cuộc đấu trí giữa tên “trọc phú” và anh “dân đen” cuối cùng tên trọc phú cũng thua một cách thật thảm hại và nhục nhã. Bởi vì:

Thứ nhất: Đường đường là một Phú Ông vốn luôn tự đắc “nhà ta không thiếu thứ gì” nhưng hóa ra lại không có “cái quạt mo” như nhà thằng Bờm.

Thứ hai: Đường đường là một Phú Ông nổi tiếng giàu có nhưng phải hạ mình đi “năn nỉ” một thằng dân đen nghèo mạt rệp.

Thứ ba: tất cả tài sản của lão Phú Ông suy cho cùng cũng chỉ ngang bằng “cái quạt mo” của thằng dân đen (trường hợp thằng Bờm cười và đồng ý đổi) hay tệ hại hơn là không bằng một “cái quạt mo” của thằng dân đen (trường hợp thằng Bờm cười nhưng không đồng ý đổi). Điều này quả là quá nhục nhã.

5. Kết luận chung hay là việc “giải mã” những tầng bậc ý nghĩa của bài ca dao Thằng Bờm

Trên cơ sở những phân tích nhằm “giải mã” lai lịch lão Phú Ông, “giải mã” lai lịch thằng Bờm; “giải mã” vì sao Phú Ông lại đem những tài sản có giá trị của mình để đổi lấy “cái quạt mo”; “giải mã” tiếng cười của thằng Bờm… có thể rút ra những kết luận “giải mã” toàn bài ca dao thằng Bờm (tùy vào mỗi góc nhìn) với những cấp độ ý nghĩa như sau:

5.1 Bài ca dao Thằng Bờm là tiếng cười châm biếm, đả kích những hạng người giàu có nhưng tham lam, ngu dốt và đặc biệt là rất hay khoe khoang, vênh váo, tự đắc, mình là số một trong thiên hạ – một dạng “trọc phú” hay “trưởng giả học làm sang” trong xã hội mà Đông Tây, kim, cổ đều có.

5.2 Trong cái nhìn của người xưa, bài ca dao Thằng Bờm ở góc độ nào đó phản ánh sự bất công trong xã hội (Phú Ông – đại diện cho bọn “trọc phú” giàu có lắm bạc nhiều tiền sẵn sàng vung ra mua lấy cái danh hão nhằm thỏa mãn cho những thú vui ích kỷ của bản thân trong khi đó Thằng Bờm – đại diện cho những con người nghèo khó cơ cực không có một tài sản gì quý giá). Tiếng cười của thằng Bờm ở cuối bài ca dao là tiếng cười để tác giả dân gian qua đó bộc lộ những khát vọng, những ước mơ chính đáng về một cuộc sống, một xã hội công bằng, dân chủ.

5.3 Qua cuộc mặc cả giữa Phú Ông và thằng Bờm, bài ca dao thể hiện một triết lý nhân sinh có ý nghĩa muôn thuở của người xưa đó là: trong cuộc sống không phải anh có tiền, có của là anh muốn gì cũng được, mua gì cũng được, đổi gì cũng được, làm gì cũng được...

5.4 Nhìn ở góc độ văn hóa, bài ca dao Thằng Bờm một lần nữa khẳng định chiều sâu của vẻ đẹp trí tuệ và tư duy dân gian sâu sắc và độc đáo của người xưa: những kẻ mà trong cuộc sống tuy giàu về tiền bạc, của cải nhưng chưa chắc đã “giàu” về trí tuệ, ngược lại những người nghèo khó về tiền bạc nhưng có khi họ rất “giàu” về trí tuệ. Hay nói cách khác đó là cách nói “nhân vô thập toàn” của người xưa.

Cần Thơ, 13/2/2011

Nguyễn Trọng Bình

--------------------------------

Ghi chú: Bài đã đăng trên tạp chí Kiến thức ngày nay


(1) Thằng Bờm có cái quạt mo – Bài của Lê Tiến Dũng in trên lần đầu trên Kiến thức ngày nay năm 1997 được chúng tôi trích dẫn lại từ trang web khoavanhoc-ngonngu.edu.vn của Khoa văn học và ngôn ngữ, trường Đại học KHXH& Nhân văn TP. Hồ Chí Minh.

(2) Một cách hiểu về bài ca dao thằng Bờm – Bài của Đỗ Minh Tuấn in lần đầu trên Văn nghệ trẻ được chúng tôi trích dẫn lại từ trang web suutap.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét