Thứ Sáu, 30 tháng 11, 2012

Nhà thơ Chế Lan Viên


TG: Phạm Nhật Linh

Nhà thơ Chế Lan Viên
Nhà thơ Chế Lan Viên


Những ai có dịp tiếp xúc nhiều với nhà thơ Chế Lan Viên đều thừa nhận ông là người rất sắc sảo, thông minh nhưng tính khí cũng hơi…thất thường, thậm chí có phần nóng nảy. Và một điều thật lạ, sự nóng nảy ấy ông thường chỉ bộc lộ qua những cuộc cãi vã, tranh luận văn chương. Nó làm cho cuộc sống của nhà thơ vốn dĩ trăm bề khó khăn lại càng thêm… căng thẳng. 

Nói Chế Lan Viên khổ vì hay… tranh luận cũng không phải không có cơ sở.
Nhà thơ Nguyễn Viết Lãm, một người bạn thuở thiếu thời của Chế Lan Viên từng kể: Một lần ông cùng Chế Lan Viên đi thăm Hunggari. Khi mới chân ướt chân ráo về nước, gặp vợ Chế Lan Viên là nhà văn Vũ Thị Thường, ông được bà Thường hỏi ngay: "Thế hai ông đi với nhau có cãi nhau không đấy?".

Nguyễn Viết Lãm ngạc nhiên: "Sao chị lại hỏi thế?". Bà Thường giải thích: "Tôi biết tính anh ấy hay phản ứng làm cho anh em giận, lại thích nói thật đau, không chừa người nào".

Quả là, trong cãi vã, tranh luận học thuật, Chế Lan Viên hay có những phát biểu nặng lời và "không chừa người nào". Lành hiền, điềm đạm như Bùi Hiển, vậy mà trong một hồi ký nhắc lại những ngày sống và làm việc bên cạnh Chế Lan Viên, ông vẫn phải chua thêm một câu "có lúc chúng tôi cũng hơi nổi nóng với nhau".

Với bác Tú Mỡ (trên Chế Lan Viên tới 20 tuổi), trên diễn đàn văn học, Chế Lan Viên cũng có lúc gay gắt, không chịu nhún nhường. Nhà thơ Ngô Văn Phú kể: Lần ấy, Ban Chấp hành Hội Liên hiệp VHNT Việt Nam tổ chức một cuộc hội thảo về thơ trào phúng.

Tại cuộc hội thảo này đã nổ ra tranh luận giữa Chế Lan Viên và Tú Mỡ. Theo quan điểm của Chế Lan Viên thì thơ trào phúng có hai dòng: Một dòng trào phúng kiểu Tú Xương, Tú Mỡ và một dòng trào phúng trữ tình kiểu Maiacốpxki, Aragông.

Tú Mỡ thì lại cho rằng, trào phúng phải mang được cốt cách dân tộc, và "trào phúng Tây thì chưa chắc đã được thích bằng trào phúng ta". Chuyện có vậy mà rốt cục Chế Lan Viên nóng nảy bỏ hội nghị ra ngoài. Nhà phê bình Hoài Thanh là người chủ trì hội nghị phải chạy theo dàn hòa mãi, Chế Lan Viên mới chịu trở vào.

Với bậc đàn anh Tú Mỡ, Chế Lan Viên nóng nảy vậy, mà với lão nhà văn Phan Khôi, người trên Chế Lan Viên tới 33 tuổi, khi vấp nhau về quan điểm, ông cũng quyết không… khoan nhượng.

Chế Lan Viên từng mắng cụ này là "hèn" khi thông qua người vợ đầu của nhà thơ, cụ đánh tiếng khuyên Chế Lan Viên nên giữ thái độ "trung lập" (điều này đã được nhà văn Nguyễn Huy Tưởng ghi lại trong nhật ký ngày 2/9/1956).

Nhà văn Nguyễn Văn Bổng, trong một cuốn hồi ký cũng đã trích dẫn những lá thư của Chế Lan Viên gửi cho ông vào khoảng cuối những năm năm mươi (của thế kỷ XX), trong đó cho thấy từng có lúc ông bị Chế Lan Viên mắng mỏ gay gắt.

May vì ông hiểu tính Chế Lan Viên nên chỉ cười trừ, thành thử sau này nhớ lại, Chế Lan Viên đã cảm động cho rằng, sở dĩ Nguyễn Văn Bổng có được cách xử thế ấy là vì ông đã "một bụng thương và hiểu" tính tình của người bạn thơ.

Nhà thơ Hoàng Minh Châu trong bài "Chế Lan Viên với nghề thơ", đã kể lại chuyện Chế Lan Viên từng có lần nổi khùng lên với ông chỉ bởi trong bản thảo một tập thơ mới của Chế Lan Viên, với tư cách biên tập viên, ông đã khuyên tác giả nên tỉa bớt, chọn lại vì "có đoạn khô và lộ ý giáo dục".

Thừa nhận cha mình là "nóng tính", trong bài viết có tên gọi "Cha tôi", nữ văn sĩ Phan Thị Vàng Anh đã kể lại một cảnh hiếm hoi cả gia đình chị cùng ra vườn ngắm trăng: "Chỉ những đêm rằm, vườn nhà tôi đầy trăng, cha bảo: "Tắt đèn, ra ngoài hè ngồi xem". Chị em tôi theo ra, ngồi khen trăng được vài phút, cha lại quay sang bàn chuyện văn với mẹ, rồi tranh luận, có khi cãi cọ, quên cả trăng".

Đúng như nhà thơ Nguyễn Viết Lãm đã nhận xét: Mặc dù Chế Lan Viên "có tấm lòng cao thượng, hào hiệp, hay giúp đỡ người khác" nhưng ông "cũng có những cá tính dễ làm người khác không bằng lòng".

Bản thân Chế Lan Viên, trước khi giã biệt cuộc đời cũng nói có nhiều người không ưa mình, thậm chí (trong thư gửi Hoàng Trung Thông) ông còn cho rằng sẽ có nhiều người vui khi biết ông "gặp tai nạn" (lúc ấy nhà thơ được xác định là bị ung thư phổi).

Tuy nhiên, nói như một nhà thơ thì tổng kết lại, số người yêu Chế Lan Viên vẫn đông hơn nhiều những người thù ghét ông. Bởi, nói như nhà phê bình văn học Mai Quốc Liên thì Chế Lan Viên tuy tính khí nóng nảy, song ở khía cạnh đó ông lại thể hiện một nét rất thi sĩ và đáng yêu: "Cãi nhau cái gì ảnh cũng tranh phần thắng, vậy là không phải ảnh có ý xem thường, không như người khác tỏ vẻ "không chấp".

Tức là ông luôn coi người đối thoại là bình đẳng. Không những thế, vẫn theo nhận xét của Mai Quốc Liên, đằng sau sự nóng nảy kia, Chế Lan Viên lại là người "dễ mủi lòng, dễ xúc động, dễ tha thứ"



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thứ Sáu, 30 tháng 11, 2012

Nhà thơ Chế Lan Viên


TG: Phạm Nhật Linh

Nhà thơ Chế Lan Viên
Nhà thơ Chế Lan Viên


Những ai có dịp tiếp xúc nhiều với nhà thơ Chế Lan Viên đều thừa nhận ông là người rất sắc sảo, thông minh nhưng tính khí cũng hơi…thất thường, thậm chí có phần nóng nảy. Và một điều thật lạ, sự nóng nảy ấy ông thường chỉ bộc lộ qua những cuộc cãi vã, tranh luận văn chương. Nó làm cho cuộc sống của nhà thơ vốn dĩ trăm bề khó khăn lại càng thêm… căng thẳng. 

Nói Chế Lan Viên khổ vì hay… tranh luận cũng không phải không có cơ sở.
Nhà thơ Nguyễn Viết Lãm, một người bạn thuở thiếu thời của Chế Lan Viên từng kể: Một lần ông cùng Chế Lan Viên đi thăm Hunggari. Khi mới chân ướt chân ráo về nước, gặp vợ Chế Lan Viên là nhà văn Vũ Thị Thường, ông được bà Thường hỏi ngay: "Thế hai ông đi với nhau có cãi nhau không đấy?".

Nguyễn Viết Lãm ngạc nhiên: "Sao chị lại hỏi thế?". Bà Thường giải thích: "Tôi biết tính anh ấy hay phản ứng làm cho anh em giận, lại thích nói thật đau, không chừa người nào".

Quả là, trong cãi vã, tranh luận học thuật, Chế Lan Viên hay có những phát biểu nặng lời và "không chừa người nào". Lành hiền, điềm đạm như Bùi Hiển, vậy mà trong một hồi ký nhắc lại những ngày sống và làm việc bên cạnh Chế Lan Viên, ông vẫn phải chua thêm một câu "có lúc chúng tôi cũng hơi nổi nóng với nhau".

Với bác Tú Mỡ (trên Chế Lan Viên tới 20 tuổi), trên diễn đàn văn học, Chế Lan Viên cũng có lúc gay gắt, không chịu nhún nhường. Nhà thơ Ngô Văn Phú kể: Lần ấy, Ban Chấp hành Hội Liên hiệp VHNT Việt Nam tổ chức một cuộc hội thảo về thơ trào phúng.

Tại cuộc hội thảo này đã nổ ra tranh luận giữa Chế Lan Viên và Tú Mỡ. Theo quan điểm của Chế Lan Viên thì thơ trào phúng có hai dòng: Một dòng trào phúng kiểu Tú Xương, Tú Mỡ và một dòng trào phúng trữ tình kiểu Maiacốpxki, Aragông.

Tú Mỡ thì lại cho rằng, trào phúng phải mang được cốt cách dân tộc, và "trào phúng Tây thì chưa chắc đã được thích bằng trào phúng ta". Chuyện có vậy mà rốt cục Chế Lan Viên nóng nảy bỏ hội nghị ra ngoài. Nhà phê bình Hoài Thanh là người chủ trì hội nghị phải chạy theo dàn hòa mãi, Chế Lan Viên mới chịu trở vào.

Với bậc đàn anh Tú Mỡ, Chế Lan Viên nóng nảy vậy, mà với lão nhà văn Phan Khôi, người trên Chế Lan Viên tới 33 tuổi, khi vấp nhau về quan điểm, ông cũng quyết không… khoan nhượng.

Chế Lan Viên từng mắng cụ này là "hèn" khi thông qua người vợ đầu của nhà thơ, cụ đánh tiếng khuyên Chế Lan Viên nên giữ thái độ "trung lập" (điều này đã được nhà văn Nguyễn Huy Tưởng ghi lại trong nhật ký ngày 2/9/1956).

Nhà văn Nguyễn Văn Bổng, trong một cuốn hồi ký cũng đã trích dẫn những lá thư của Chế Lan Viên gửi cho ông vào khoảng cuối những năm năm mươi (của thế kỷ XX), trong đó cho thấy từng có lúc ông bị Chế Lan Viên mắng mỏ gay gắt.

May vì ông hiểu tính Chế Lan Viên nên chỉ cười trừ, thành thử sau này nhớ lại, Chế Lan Viên đã cảm động cho rằng, sở dĩ Nguyễn Văn Bổng có được cách xử thế ấy là vì ông đã "một bụng thương và hiểu" tính tình của người bạn thơ.

Nhà thơ Hoàng Minh Châu trong bài "Chế Lan Viên với nghề thơ", đã kể lại chuyện Chế Lan Viên từng có lần nổi khùng lên với ông chỉ bởi trong bản thảo một tập thơ mới của Chế Lan Viên, với tư cách biên tập viên, ông đã khuyên tác giả nên tỉa bớt, chọn lại vì "có đoạn khô và lộ ý giáo dục".

Thừa nhận cha mình là "nóng tính", trong bài viết có tên gọi "Cha tôi", nữ văn sĩ Phan Thị Vàng Anh đã kể lại một cảnh hiếm hoi cả gia đình chị cùng ra vườn ngắm trăng: "Chỉ những đêm rằm, vườn nhà tôi đầy trăng, cha bảo: "Tắt đèn, ra ngoài hè ngồi xem". Chị em tôi theo ra, ngồi khen trăng được vài phút, cha lại quay sang bàn chuyện văn với mẹ, rồi tranh luận, có khi cãi cọ, quên cả trăng".

Đúng như nhà thơ Nguyễn Viết Lãm đã nhận xét: Mặc dù Chế Lan Viên "có tấm lòng cao thượng, hào hiệp, hay giúp đỡ người khác" nhưng ông "cũng có những cá tính dễ làm người khác không bằng lòng".

Bản thân Chế Lan Viên, trước khi giã biệt cuộc đời cũng nói có nhiều người không ưa mình, thậm chí (trong thư gửi Hoàng Trung Thông) ông còn cho rằng sẽ có nhiều người vui khi biết ông "gặp tai nạn" (lúc ấy nhà thơ được xác định là bị ung thư phổi).

Tuy nhiên, nói như một nhà thơ thì tổng kết lại, số người yêu Chế Lan Viên vẫn đông hơn nhiều những người thù ghét ông. Bởi, nói như nhà phê bình văn học Mai Quốc Liên thì Chế Lan Viên tuy tính khí nóng nảy, song ở khía cạnh đó ông lại thể hiện một nét rất thi sĩ và đáng yêu: "Cãi nhau cái gì ảnh cũng tranh phần thắng, vậy là không phải ảnh có ý xem thường, không như người khác tỏ vẻ "không chấp".

Tức là ông luôn coi người đối thoại là bình đẳng. Không những thế, vẫn theo nhận xét của Mai Quốc Liên, đằng sau sự nóng nảy kia, Chế Lan Viên lại là người "dễ mủi lòng, dễ xúc động, dễ tha thứ"



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét