Lê Thánh Tông |
Nhà công vụ hiểu một cách đơn giản là nhà ở thuộc tài sản công được dành cho quan chức (và gia đình họ) sử dụng trong thời gian nhất định khi đảm nhiệm một vị trí cụ thể tại một địa phương. Đến lúc không còn làm quan hoặc được chuyển đổi đi nhận vị trí khác thì người đó phải trả lại nhà công vụ để bố trí cho người mới.
Tuy nhiên vẫn có những người muốn biến công thành tư. Cách đây 500 trăm năm, hoàng đế Lê Thánh Tông để ý việc này, và đưa ra các cách thức xử lý cụ thể, ông trở thành nguyên thủ đầu tiên quy định chế độ sử dụng “nhà công vụ” và tài sản công.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết, tháng 4 năm Bính Tuất (1466), vua ban lệnh “cấm các quan đổi đi chỗ khác không được lấy các thứ đồ dùng ở nhà công”. Đến tháng 2 năm Canh Tuất (1490) Lê Thánh Tông “định lệ quan đổi đi nơi khác phải giao lại nhà công. Từ nay trở đi, quan các nha môn nào đổi thăng đi, về nghỉ để tang hay ốm chết…thì chỗ nhà ở và các đồ vật giao cho quan lại sai người coi giữ, đợi khi quan mới đến dùng”.
Lê Thần Tông chấm đỗ người không làm hết bài thi
Trong thi cử Nho học thời xưa có nhiều quy định rất chặt chẽ, khắt khe, bài thi nếu chỉ phạm một chữ húy thì dù có viết hay đến mấy cũng bị đánh trượt, hoặc dù có làm hết bài nhưng chưa chắc đã vượt nổi tài thơ văn của những người cùng thi khác. Ấy thế mà một thí sinh vào thi, làm không hết bài vẫn được chấm đỗ, không những thế còn là người đỗ đầu khoa thi, đó là câu chuyện của Nguyễn Minh Triết quê ở xã Lạc Sơn, huyện Chí Linh, phủ Nam Sách, xứ Hải Dương (nay thuộc xã An Lạc, huyện Chí Linh, Hải Dương).
Khoa thi Hội năm Tân Mùi (1631) đời Lê Thần Tông, đề thi gồm 2 phần: Phần đề phú có nội dung “Lấy đức làm chính trị”, phần đề thơ là “Tiêu Hà đứng đầu”; tất cả gồm 12 mục. Lọt vào kỳ thi Hội chỉ có 60 người, do thời gian ngắn mà đề mục lại nhiều nên 59 người đều làm sơ lược, tính toán miễn sao cho đầy đủ 12 mục.
Riêng Nguyễn Minh Triết thì lần lượt làm từng mục, dẫn giải cụ thể, biện luận rõ ràng vì thế khi hết giờ, phải nộp bài thì ông mới chỉ xong được 4 mục. Vua Lê Thần Tông xem bài thi thấy ý tứ rất hay bèn hỏi các khảo quan và nữ học quan Nguyễn Thị Duệ, mọi người nói nếu chấm thì rất xứng đỗ đầu. Cuối cùng vua truyền bảo: “Thơ chỉ hay một câu, phú chỉ hay một đoạn mà còn được, huống chi bốn mục. Bài nếu đáng đỗ đầu thì cứ để đỗ đầu”.
Vậy là dù bài thi không hoàn thiện nhưng thí sinh Nguyễn Minh Triết lại được chấm đỗ Đình nguyên Thám hoa. Ông chính là người cao tuổi thứ nhì trong số gần 80 vị đỗ Thám hoa trong lịch sử nước ta.
Quảng trường thi Nam Ðịnh (năm 1897), thí sinh phải tự làm lều và đặt chõng để viết bài |
Lê Ý Tông ban hành âm nhạc trong các ngày đại lễ
Âm nhạc được sử dụng trong các nghi lễ cung đình từ rất lâu nhưng còn đơn giản, chưa thống nhất, chưa phân định cụ thể đối với từng nghi thức. Đến đời Lê Ý Tông (1735-1740), lần đầu tiên âm nhạc được quy định sử dụng với các tiết tấu, thanh điệu khác nhau ở những ngày đại lễ khác nhau.
Sách Lê triều hội điển cho hay: “Theo pháp điển hồi quốc sơ, chỉ làm lễ rước và lạy mừng, nhạc chương chưa đủ. Vĩnh Hựu năm thứ nhất (1736) mới kính vâng ngự chế, báo rõ bá quan rằng: Các lễ Diên Thọ, Chính Đản, Yết Giao, Tế Cờ, xét về nhiều mặt được coi là đại lễ. Hợp các nhạc chương lại để cùng diễn tấu. Như vậy ngước lên thấy tình văn tuyên xướng (được phô bày thỏa thích), tiết tấu ung dung. Gây dựng được cái tự cổ chưa từng có. Thánh đức cùng thiên địa đại đồng, ấy là cái thể nghiệm sự ứng dụng vậy”.
Theo đó, nhạc chương dùng trong các ngày đại lễ có 5 chương, là: Từ bình, Thanh bình, Hòa bình, Thăng bình, Thừa bình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét