Chỉ số cụ thể
Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến thẩm mỹ khuôn mặt, trong đó sự hài hoà được các nhà nhân trắc học xem là yếu tố quan trọng nhất. Với một khuôn mặt cụ thể, mắt thế này là đẹp nhưng với khuôn mặt khác có thể là quá to. Do đó, để nhận diện một khuôn mặt đẹp hoàn chỉnh, ngoài việc dựa vào cảm quan thông qua mô tả còn phải căn cứ vào các chỉ số đo đạc cụ thể.
Một trong những người đầu tiên đưa ra tiêu chuẩn cụ thể về khuôn mặt đẹp là Leonardo da Vinci, họa sỹ nổi tiếng nhưng cũng là nhà giải phẫu tài ba. Theo ông, khuôn mặt đẹp thì đầu chiếm khoảng 1/8, mặt chiếm 1/10 chiều dài cơ thể. Nghĩa là người cao 1,7m thì đầu cao khoảng 20cm và khuôn mặt cao khoảng 17cm.
Theo ThS. Võ Trương Như Ngọc, trong các cuộc thi lựa chọn người đẹp nên đo cả các chỉ số trên khuôn mặt để thể hiện sự khách quan hơn. Tuy nhiên, chỉ số cho điểm nên ngang bằng với các chỉ số của cơ thể, vì “nhất dáng, nhì da, thứ ba khuôn mặt”.
|
ThS. Võ Trương Như Ngọc, Phó trưởng bộ môn Giải phẫu - Mô phôi răng, ĐH Răng –Hàm - Mặt, cho biết: “Hiện nay, có nhiều tiêu chuẩn để đánh giá một khuôn mặt đẹp. Có 3 điểm mốc giải phẫu thường được dùng để đánh giá khuôn mặt khi nhìn nghiêng: Gốc mũi, dưới mũi và điểm lõm giữa môi dưới và cằm. Khuôn mặt hài hoà thì đường nối 3 điểm này là một đường cong lồi ra ngoài. Còn ở khuôn mặt kém hài hoà, 3 điểm nối sẽ là đường thẳng hoặc lõm vào trong”.
Ngoài ra còn một số phương pháp xác định tỷ lệ chuẩn cho khuôn mặt. Theo chiều rộng, mặt có thể được chia thành 5 phần bằng nhau bởi các đường thẳng đứng song song đều nhau. Đó là các đường thẳng đi qua phía ngoài tai, đuôi mắt, đầu mắt của hai bên mặt và vuông góc với trục giữa của mặt. Một cách phân chia nữa là: nếu theo chiều đứng, dựa vào các điểm như điểm chân tóc, điểm giao nhau giữa hai cung mày, điểm dưới mũi và cằm, khuôn mặt được chia thành 3 tầng, một khuôn mặt hài hòa thì 3 tầng này phải bằng nhau.
Tuy nhiên, sau này có quan điểm cho rằng, chân tóc không xác định được vì có người hói, chân mày cũng không xác định được vì phụ nữ có thể phun xăm thẩm mỹ. Do đó, các điểm mốc đánh giá phải là các điểm mốc cố định như điểm gốc mũi, điểm nền mũi và cằm, theo cách phân chia này thì chiều cao khuôn mặt tính từ điểm gốc mũi đến điểm nền mũi chiếm 43% chiều cao tính từ điểm gốc mũi đến điểm cằm.
Trên thực tế, rất hiếm người có khuôn mặt và cơ thể hoàn toàn cân xứng theo các tiêu chuẩn đặt ra. Một khuyết điểm nhỏ của lông mày, mi mắt, miệng, má hay tai đều có thể tìm thấy trên bất kỳ khuôn mặt nào. Sự cuốn hút của phụ nữ hay nam giới qua vẻ bề ngoài thường thể hiện ở những số đo. Sự khác nhau cơ bản giữa một khuôn mặt xấu, trung bình, đẹp và rất đẹp chỉ là một sự sai khác một vài mm hay chênh lệch rất nhỏ ở các góc của khuôn mặt.
Ba yếu tố cơ bản
ThS. Võ Trương Như Ngọc cũng cho rằng: “Có 3 yếu tố chính tạo nên một khuôn mặt đẹp đó là kiểu tóc, da mặt, cấu trúc xương và mô mềm thể hiện bởi các số đo về kích thước, tỷ lệ. Sự khác nhau giữa các khuôn mặt chính là vị trí các mốc giải phẫu, kích thước, hình dạng và các góc tạo bởi xương, da và mô mềm. Ngoài ra, còn có sự đóng góp của các yếu tố khác như lông mày, mắt, má, mũi, môi, cằm, màu mắt, màu tóc, cách trang điểm, trạng thái tâm lý... Khi phân tích sự hài hoà của khuôn mặt, cần bỏ qua yếu tố ảnh hưởng đến vẻ đẹp của khuôn mặt như kiểu tóc và da. Vì tóc có thể thay đổi và da có thể trang điểm, chỉ nên xét đến yếu tố kích thước và tỷ lệ”.
Trong đó, mỗi khuôn mặt đều có những tỷ lệ nhất định cho các bộ phận cấu thành nên nó: Trán đẹp thì chiều cao phải chiếm 1/3 chiều toàn bộ khuôn mặt, rộng gấp đôi chiều cao; Độ rộng mắt phải bằng 1/5 tổng chiều rộng khuôn mặt; Má phải đầy đặn, hình oval, gò má không quá cao và đầy; miệng có độ rộng không quá 50,9mm; Chiều rộng của tai xấp xỉ bằng 1/2 chiều dài tai, chiều dài tai xấp xỉ bằng chiều dài mũi...
Việt Nam chưa có chuẩn riêng
Đến nay, trong các cuộc thi người đẹp ở Việt Nam đều chưa đưa ra những tiêu chuẩn cho một khuôn mặt đẹp. Do đó, trong các cuộc thi lựa chọn người đẹp, vẫn chủ yếu dựa vào cảm quan của Ban giám khảo.
T.S Lê Gia Vinh, Chủ tịch Hội Hình thái học thuộc Tổng hội y học Việt Nam cho biết: “Tôi cũng từng tham gia chấm thi hoa hậu. Những số đo được công bố chỉ là vòng 1, vòng 2, vòng 3, chỉ số kê-ly, tỷ lệ giữa chân và thân, chỉ số kê-ly càng cao thì càng đẹp nghĩa là chân dài. Nhưng không có cuộc thi nào công bố cỡ mắt, cỡ mũi của thí sinh dự thi hay khuôn mặt chuẩn, ngay cả các cuộc thi hoa hậu quốc tế cũng vậy. Tuy Ban giám khảo làm việc nghiêm túc, thảo luận khá kỹ về khuôn mặt của mỗi thí sinh, chẳng hạn cô này môi hơi dày, sống mũi to quá, sống mũi hơi xấu hay mắt hơi nhỏ... nhưng chỉ số cụ thể không ai đo đạc, mà nói theo cảm quan”.
Cũng theo TS. Lê Gia Vinh, trên thực tế đã có một số nghiên cứu về kích thước khuôn mặt của người Việt Nam. Nhưng đó mới là kích thước cho khuôn mặt cân đối còn chưa có tiêu chuẩn cho một khuôn mặt đẹp. Tiêu chuẩn đẹp không chỉ là vấn đề kích thước mà phải phù hợp hình dáng, các nét tương đối phù hợp với người Việt. Chẳng hạn như tiêu chuẩn châu Âu thì miệng phải thật rộng mới đẹp nhưng ở Việt Nam thì ngược lại. Ông cha ta còn có câu: “Đàn ông miệng rộng thì sang, đàn bà miệng rộng tan hoang cửa nhà”. Tuy nhiên, ở thời kỳ nào cũng vậy, mỗi người đều có những quan điểm về việc cảm nhận cái đẹp.
Hiệp Phi
Báo Gia đình & Xã hội Cuối tuần Xuân Canh dần
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét