Tiếng suối chảy, tiếng gió cùng với tiếng sập sèm sập, sạp sạp, sạt, sạt từ những đôi tay mềm mại trong điệu múa Sênh Tiền của những chàng trai, cô gái Mông trên mảnh đất Nà Hẩu của huyện Văn Yên, (Yên Bái) hòa quyện với nhau… Càng nghe, càng yêu, càng say, càng nặng lòng, quyến luyến.
Với đa số là đồng bào dân tộc Mông sinh sống, Nà Hẩu vẫn còn lưu giữ được những giá trị văn hóa độc đáo và điệu múa Sênh Tiền (hay còn là múa gậy tiền) là phần quan trọng trong những giá trị đó.
Vàng A Phử, người con của dân tộc Mông, thôn Khe Cạn, xã Nà Hẩu rất yêu điệu múa Sênh Tiền. Anh cũng không biết điệu múa này có từ khi nào, chỉ biết rằng từ khi còn rất nhỏ, Phử đã đi xem người già trong bản biểu diễn, thấy hay và độc đáo, anh đã tự học hỏi để rồi say với điệu múa của dân tộc từ lúc nào mà không biết. Không có thầy dạy, Phử chỉ hiểu rằng đây là một điệu múa cổ truyền đã được các thế hệ đi trước biểu diễn, Phử thấy hay vậy là bắt chước học theo. Năm 15 đến 16 tuổi, Phử đã đi hết làng này, bản nọ, sang cả các xã của huyện khác, vừa cùng nhảy, vừa hướng dẫn những người say mê điệu múa. Ngoài 30 tuổi, Phử đã có trong tay 2 giải vàng cho người múa Sênh Tiền đẹp nhất. Ngoài ra, Phử còn tham gia biểu diễn điệu múa Sênh Tiền ở rất nhiều nơi như: Lai Châu, Sơn La, Hoà Bình, Điện Biên... Nơi đâu Phử cùng được chào đón nồng nhiệt, bởi anh múa hay, múa dẻo, nhiệt tình và khi đã biểu diễn là Phử hoà mình vào điệu múa. Chiếc gậy trúc và anh “ăn khớp” đến từng động tác, từng kích thước điều chỉnh cách va chạm. Không những thế, Phử có cách riêng và rất hiểu tâm lý bạn nhảy mỗi khi kết hợp các động tác với họ. Ai nhảy chưa hay, chưa giỏi nhưng đã múa với Phử thì đều tỏ ra tự tin. Điệu múa đã giúp cho con người xích lại gần nhau và mang lại một không khí đầm ấm, vui tươi cho cả làng, cả bản.
Loại nhạc cụ được sử dụng trong điệu múa là cây gậy được làm bằng đoạn trúc hoặc tre có chu vi từ 5 cm đến 7 cm, dài 1m đến 1,2 m, được chia làm 4 khấu, trong đó có 3 khấu được đục lỗ ở giữa để xâu đồng xu vào giữa. Khấu còn lại nằm ở khúc thứ hai không đục lỗ để người múa khi biểu diễn cầm vào. Trong mỗi một khấu đục lỗ lại được chia làm 4 dãy đồng xu, mỗi dãy có từ 4 đến 6 đồng xu hợp lại (trước đây là những đồng xu cổ nhưng hiện nay những đồng xu đó không còn nữa thì người Mông sử dụng những miếng nhôm hoặc lá đồng cắt theo hình tròn để thay thế) và khoảng cách giữa các dãy đồng xu là từ 5 đến 10 cm. Ở hai đầu chiếc gậy buộc một túm chỉ với các màu xanh, đỏ, tím, vàng... để cho cây gậy đẹp hơn khi biểu diễn và hai chùm dây này chính là điểm nhấn tạo sự mềm mại và uyển chuyển cho người múa.
Khi múa, người chơi cầm cây tiền vừa múa vừa di chuyển với các động tác khéo léo để cây gậy chạm nhẹ vào cơ thể như tay, chân, vai, bàn chân để cho các đồng xu tạo ra thứ âm thanh vui nhộn mà kỳ bí. Múa Sênh Tiền thường có từ bốn đến tám nam, nữ kết hợp hoặc cũng có thể là chỉ có nam múa hoặc nữ múa đôi. Các đôi trai gái biểu diễn các động tác lên xuống, xoay người nhịp nhàng trong sự cổ vũ nhiệt tình của bà con dân bản. Với đôi tay khéo léo của chàng trai, cô gái những đồng tiền cổ xoay tít, phát ra tiếng kêu xoèn xoẹt, thể hiện niềm phấn khởi và tưng bừng của dân làng.
Điệu múa Sênh Tiền được biểu diễn chủ yếu vào các ngày lễ, ngày hội văn hóa dân tộc... đặc biệt là lễ hội Gầu Tào (hay còn gọi là Tết của người Mông). Đây cũng chính là dịp để các chàng trai, cô gái Mông thể hiện những nét đẹp văn hoá của dân tộc mình và cũng là nơi để nam nữ thanh niên tìm hiểu nhau. Nhiều đôi trai gái đã nên vợ nên chồng bởi sự ăn ý trong khi nhảy. Phử khẳng định: “Múa Sênh Tiền thì hai người nam múa với nhau cũng được, nhưng sẽ không hay, không hấp dẫn và khô cứng. Múa Sênh Tiền phải là sự kết hợp những động tác mạnh mẽ, dứt khoát của người con trai với động tác thướt tha, uyển chuyển, nhẹ nhàng, tình ý của người con gái, có như vậy mới bật nên được cái tình, cái hồn dân tộc của điệu múa”…
Điều Vàng A Phử luôn mong muốn là sẽ có thêm nhiều em nhỏ trong bản say mê điệu múa này và Phử sẽ dạy cho các em múa để điệu múa của dân tộc sẽ không bị mất đi trước những thăng trầm, bào mòn của năm tháng.
Nét đẹp của Sênh Tiền là sự kết hợp hài hòa, nhịp nhàng giữa các động tác nhảy múa và gậy Sênh Tiền. Ngày nay, tuy đời sống nơi vùng cao còn gặp nhiều khó khăn nhưng những điệu dân ca dân vũ mang đậm bản sắc dân tộc vẫn được người Mông Nà Hẩu gìn giữ, bảo tồn và phát huy để những nét văn hóa tinh tế của đồng bào dân tộc Mông mãi còn nguyên giá trị.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét