Với loại “thiên cổ kỳ bút” như truyện Người con gái Nam xương trong Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ, dù đã được phân tích đánh giá nhiều nhưng thiết nghĩ vẫn có điều cần nói thêm. Bởi ở đây ngoài lớp giá trị lộ thiên, chỉ khéo khơi khơi một tí đã thấy, còn có lớp giá trị nằm sâu phía trong mà muốn khai thác thì bên cạnh cái mà mọi người quen nói là cảm thụ văn chương còn phải có thêm sự hỗ trợ của năng lực tư duy triết học và tư duy trừu tượng khoa học, trừ trường hợp với ai đó đã mở rộng nội hàm khái niệm năng lực cảm thụ văn chương để bao gồm cả hai điều vừa được nêu lên đó. Năng lực tư duy triết học sẽ cho phép đi sâu thêm, phát hiện thêm những vấn đề phức tạp nhất, sâu sắc nhất, kể cả sự bí hiểm trong cuộc sống con người mà cách cảm thụ văn chương thường gặp, đặc biệt là phương pháp xã hội học giản đơn, dung tục ít nhiều đều bất lực, bất cập. Năng lực tư duy trừu tượng khoa học cho phép nhìn nhận sự vật, ở đây là tác phẩm văn chương, không chỉ ở cấp độ bộ phận, chi tiết mà quan trọng hơn là ở mối quan hệ nội tại, trừu tượng giữa các chi tiết trong một cơ chế nghệ thuật có tính nhất thể, nhận ra vị trí của từng bộ phận từng chi tiết, đâu là chi tiết chủ công, đâu là chi tiết phu trợ. Chi tiết chủ công là chi tiết có khả năng sản sinh trữ lượng tư tưởng thẩm mỹ lớn nhất cho tác phẩm, không có nó thì giá trị của tác phẩm sẽ khác đi thấp đi rõ rệt. Trong khi với các chi tiết phụ trợ, có thay đi cũng chẳng ảnh hưởng gì đáng kể. Những điều vừa nêu trên là có thể ứng dụng vào việc khám phá bất cứ tác phẩm văn chương nào, nhất là với những tác phẩm kiệt xuất. Ơ đây thử ứng dụng để nói thêm về chuyện Người con gái Nam Xương.
(Đăng lại theo trang viet-studies.info của GS. Trần Hữu Dũng)
(Đăng lại theo trang viet-studies.info của GS. Trần Hữu Dũng)
Trong truyện Người con gái Nam Xương, hình tượng trung tâm là Vũ nương đã đươc xây dựng với tính cách một phụ nữ đẹp người đặc biệt là đẹp nết nhưng lại phải chịu một nỗi oan khiên tày trời. Nàng là hiện thân khổ đau của người phụ nữ trong xã hội xưa. Nói thế hoàn toàn không sai nhưng chưa đủ để phân biệt giá trị cuả truyện Người con gái Nam Xương với các tác phẩm khác cùng nói về phẩm chất tốt đẹp và nỗi khổ của người phụ nữ ở thời đó. Muốn thấy cái độc đáo và cũng là cao siêu cuả truyện Người con gái Nam xương, phải nói thêm điều này. Đó là cái mong manh vô cùng mong manh, mong manh tới độ với tư duy thông thường, trên thế gian này, chẳng ai có thể nghĩ tới. Nhưng đó là sự thật. Sự thật quá ư khắc nghiệt đối với hạnh phúc của đàn bà, chẳng riêng gì ở Việt nam thời phong kiến, mà còn là với nữ giới muôn nơi muôn thuở. Cứ đọc kỹ truyện Người con gái Nam xương thì thấy rõ. Có đúng là sự tan nát hạnh phúc của Vũ nương đã bắt đầu từ cái bóng của chính Vũ nương không? Chồng đi chiến trận, “Ngày thường ở một mình, nàng hay đùa con, trỏ bóng mình mà bảo là cha Đản”. Cái bóng là gì vậy? Nếu không phải là một biểu tượng của sự đồng nhất mình với chồng. Kim Kiều yêu nhau. Nguyễn Du đã có một cách nói đến mức sơn cùng thuỷ tận về chữ đồng trong tình yêu: “Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương” . Nguyễn Dữ trước Nguyễn Du trong truyện Người con gái Nam xương lấy cái bóng của Vũ nương để nói là cha Đản tức là chồng mình kể cũng là một cách nói sơn cùng thuỷ tận về chữ đồng trong đạo vợ chồng. Vậy mà có ai ngờ rằng đời Vũ nương tan nát bắt đầu từ đấy. Từ cái bóng kia. Tan nát đến mức thánh thần, trời phật cũng chỉ có thể an ủi bù đắp chút ít chứ không cứu lại được. Rồi nữa,tham gia vào việc phá nát hạnh phúc của Vũ nương là ai? Trời ơi! lại không ai khác mà chính là đứa con nàng đứt ruột đẻ ra. Nó ngây thơ, trong trắng. Nó hoàn toàn vô tội. Nhưng thực tế khách quan, nó là tác nhân trực tiếp gây ra sự đổ nát hạnh phúc cuộc đời của mẹ nó. Có đáng sợ, có khủng khiếp không cho cái gọi là sự ma quái trong cuộc sống con người ở cõi đời. Trong Truyện Kiều, nàng Kiều bị tan nát hạnh phúc, chịu hết nạn nọ đến nạn kia là bởi có thằng bán tơ vu oan, có viên quan quen nghề ăn hối lộ, có Mã giám sinh, Sở khanh, Tú bà chuyên nghề kiếm ăn ở miền nguyệt hoa, có Hoạn bà, Hoạn thư ỷ thế danh gia độc ác, có Hồ tôn Hiến nổi tiếng lật lọng...tóm lại là có nguyên nhân xã hội cụ thể, có những kẻ gian ác sờ sờ trước mắt mọi người, để người ta nếu chưa đủ sức chống lại thì tìm cách né tránh, lánh xa nó. Đàng này, Vũ nương làm sao mà né tranh được những tác nhân phá hoại đời mình một khi nó nằm ngay trong cái bóng của mình, nằm ngay trong cảnh mình đùa vui vui con, nằm ngay trong khi mình đang bày tỏ sự gắn bó keo sơn với chồng nơi xa cách, nằm ngay trong một câu nói hồn nhiên vô tư của đứa con ngây thơ trong trắng của mình. Tôi muốn nói thế này được chăng: ở phương diện thể hiện nguyên nhân đau khổ của người phụ nữ, truyện Người con gái Nam xương có ý nghĩa triết học sâu sắc hơn, cao hơn Truyện Kiều, bởi nó đã chạm vào sự ma quái có thực trong sự sống vốn là nghiệt ngã của con người muôn nơi muôn thuở. Không ít người đã cho rằng sự tan nát hạnh phúc của Vũ nương là do chế độ nam nữ bất bình đẳng. Nói thế nghe qua tưởng có lý. Nhưng nghĩ kỹ thì thấy về cơ bản không hẳn là thế. Bởi như chính tác phẩm đã để lộ, nguyên nhân quan trọng và trực tiếp làm tan nát đời Vũ nương cùng với chuyện cái bóng của Vũ nương, lời nói hồn nhiên vô tư của đứa con, là cái “tính đa nghi”, “hay ghen” của anh chồng Trương sinh. Mà cái tính hay ghen là gì vậy? Là một hiện tượng tâm lý có liên quan đến sinh lý, đến giới tính thuộc phạm vi tính người mà tạo hoá đã phát riêng cho nhân loại. Nó rất ít liên quan tới vấn đề hình thái xã hội, chế độ chính trị, kể cả dân tộc và thời đại lịch sử. Nó chỉ trừ riêng cho những người mất trí hoăc giả với đó ai nhưng là rất hiếm có trạng thái tâm lý không bình thường hoặc có triết lý sống quá siêu việt. Trước phiên toà công lý trong Truyện Kiều, Hoạn Thư chẳng đã nói đúng cái qui luật muôn đời này sao: “Ghen tuông thì cũng người ta thường tình”. “Người ta” đây hẳn là có cả nam lẫn nữ. Cứ giả thiết ở một xã hội nào đó, quyền nam nữ bình đẳng đã đươc thực hiện trăm phần trăm thì đã có thể tin rằng con người không còn cái máu ghen “thường tình” này nữa sao?. Phải nói rõ điều đó để hiểu được vấn đề triết học nhân sinh vô cùng sâu sắc mà Nguyễn Dữ đã nêu lên trong tác phẩm, dù tự giác hay tự phát, có ý thức hay vô tình. Phải hiểu rõ điều đó cũng là để hiểu đúng nguồn gốc tội lỗi của Trương sinh trong việc đẩy vợ vào chỗ chết. Đúng là không ai không oán giận Trương sinh nhưng từ đó mà qui về chế độ nam nữ bất bình đẳng thì về cơ bản là chưa đúng ý tác phẩm. Nếu thế, cũng khó cắt nghĩa đúng hiện tượng Trương sinh đã “động lòng thương tìm vớt thây nàng” ngay cả khi còn “giận là nàng thất tiết”, cũng khó cắt nghĩa đúng sự “tỉnh ngộ thấu nỗi oan của vợ” về sau, khi lại chính từ cái bóng của chàng và cũng qua câu nói của đứa con ngây thơ, trong trắng mà hiểu ra mình đã lầm to để gây tội ác với vợ. Xin nói lại cái tội tày trời của Trương sinh, xét nguyên nhân không gì khác là cái tội của một anh chồng có “tính đa nghi”, “hay ghen”, muốn tránh cũng không tránh được, mà tạo hoá đã trớ trêu ban cho anh ta cũng như bao chàng trai cô gái khác trên thế gian này từ cổ chí kim, từ đông sang tây, cùng một lúc ban cho họ hạnh phúc tình yêu, tình vợ chồng. Để từ đó, văn chương có chuyện mà nói, mà sáng tạo, mà có Đexđêmôna của nước Anh bị bóp cổ chết, Vũ nương của Việt nam phải tự vận...nhưng lại nổi tiếng với muôn đời. Đó đây lại còn có ý kiến cho rằng Vũ nương tan nát hạnh phúc là vì chiến tranh. Xin nói ngay: ý kiến này là hoàn toàn sai, là vô hình trung đã coi truyện Người con gái Nam xương cũng như Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn, trong khi hai tác phẩm có hai nội dung hai chủ đề khác nhau mặc dù đều phản ánh nỗi khổ của phụ nữ. Cần thấy rằng chi tiết Trương sinh đi chiến trận, chẳng có vai trò quyết định gì trong nội dung câu chuyện đánh ghen đến mức đẩy vợ đến cái chết này. Giả sử anh ta không ra trận mà đi học xa về, đi buôn xa về, gặp con, con không nhận lại cứ nói cha là một người đàn ông “đêm nào cũng đến, mẹ Đản đi cùng đi, mẹ Đản ngồi cùng ngồi, nhưng chẳng bao giờ bế Đản cả” (đúng là một người ngoại tình với mẹ chứ còn ai nữa) thì chuyện gì đã xảy ra trong tác phẩm, chắc chắn lại xẩy ra thôi. Ở trên đã có nói, với chi tiết phụ, nếu có thay đi cũng chẳng ảnh hưởng gì đáng kể đến nội dung tác phẩm là như thế.
Rõ ràng câu chuỵện Người con gái Nam xương đã cho người đọc thấy thế nào là cái mong manh vô cùng mong manh của hạnh phúc đàn bà muôn nơi muôn thuở. Cho nên những chàng trai cô gái đang yêu nhau, những cặp vợ chồng dù đã chỉ non thề biển, đã kết tóc xe tơ với nhau trên cõi thế gian nà vẫn cứ phải coi chừng, phải cảnh giác. Coi chừng, cảnh giác về nhiều thứ nhưng xin đừng quên coi chừng cảnh giác với cái máu ghen. Hãy nhớ rằng, chỉ nhỡ ra một chút thôi ví như ở đây là nghe con mà không hỏi lại vợ xem sao, thì đã đủ tan nát cả cuộc đời, đã đủ để hạnh phúc trong chốc lát trở thành mây khói, muốn cứu vãn cũng chẳng cứu vãn được nữa đâu. Nguyễn Dữ từ sự cảm nhận, phát hiện được cái qui luật khắc nghiệt ma quái đó trong cuộc sống của người phụ nữ mà sáng tạo nên một cốt truyện bao gồm một hệ thống chi tiết trong đó có chi tiết chủ công ăm ắp trữ lượng tư tưởng nghệ thuật thông qua một bút pháp vừa thực vừa ảo, vừa hiện thực vừa lãng mạn. Và cuối cùng để lại cho văn học dân tộc một thiên tình sử bi thảm làm nhức nhói trái tim người đọc bao đời nay, cho lịch sử văn học Việt nam một áng “thiên cổ kỳ bút”, cho riêng thể loại truyện ngắn Việt nam một truyện ngắn vừa là đột khởi vừa là đỉnh cao vợi vợi trong muôn đời./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét