Thứ Sáu, 15 tháng 10, 2010

Hát Quan họ

Quan họ từng là vốn quý của đất kinh Bắc. Tuy nhiên những liền chị trẻ tuổi ngày nay không còn say mê với chiếu hát. Làng quan họ giờ đây vẫn thường nhắc đến những cái tên xưa cũ như bà Nguyễn Thị Nguyên, Vũ Thị Chịch...

Bà Nguyên tâm sự: "Ngày trước, chúng tôi hát giao duyên đối đáp thâu đêm, hát cho các liền anh phải sợ mà không dám gặp mặt. Con gái quan họ hiền lành, dịu dàng là thế nhưng đã hát thì phải ra câu ra chữ, hát cho biết con gái đất này chẳng phải tay vừa". Bà kể, ngày đó chẳng bao giờ người quan họ lại quan tâm mình thuộc bao nhiêu bài, mà chỉ biết là phải hát được 36 giọng. Ai hát bất kỳ làn điệu nào mà thiếu giọng là bị ghét ngay.


Cụ Nguyên, 1 trong 6 người được đề cử nghệ nhân quan họ.
"Những anh nào hát không hay, đối đáp không giỏi, có mời trầu chúng tôi cũng chẳng thèm ăn", bà rủ rỉ. Chuyện các liền anh ấm ức bỏ về là thường, bởi hát như ra câu đối, phải ứng khẩu tức thì. Rồi bà lẩm nhẩm hát: "Mấy vạn năm nay vẫn hãy còn. Cớ sao khi khuyết lại khi tròn. 30 mùng 1 đi đâu vắng. Hay có tình riêng với nước non", vừa dứt, bà chợt cười to. Bà Nguyên kể tiếp: "Mấy anh kia đớ người, gượng gạo một lúc rồi đành hẹn năm sau đáp lại. Ấy thế mà mãi đến 3-4 năm sau, tôi mới được gặp lại, các anh ấy mới lấy bài Bánh trôi nước ra để đối. Tôi cũng chẳng giận vì... các anh ấy hát hay lắm".

Được bố mẹ dạy hát từ năm 15 tuổi, tính đến nay, những làn điệu quan họ thấm vào máu bà ngót nghét 70 năm. Bà tự hào vì "sinh" ra cho đất quan họ nhiều "liền chị" xuất sắc. Từ những học sinh mà bà gọi là "hát quan họ cho cả nước nghe" như Thuý Cải, cho đến Bích Thuỷ, cô gái xuất sắc đoạt giải nhất chỉ sau 2 năm thi tài với các đàn anh, đàn chị. Bà chỉ tiếc 4 đứa con của bà "chỉ duy nhất thằng út hát hay, còn lại thì chỉ đủ ra khoe thiên hạ mình là người Bắc Ninh".


Cụ Chịch vừa nhai trầu vừa cố nhớ tên làn điệu quan họ.
Không được như bà Nguyên, bà Vũ Thị Chịch đã quên gần hết các làn điệu quan họ. Vừa bỏm bẻm nhai trầu, bà vừa liệt kê được hơn mươi làn điệu. Thì cụ cũng đã được 86 tuổi rồi, đi còn không thẳng, nhớ sao cho nổi cả trăm bài hát.

"Ấy nhưng mà cứ nghe đám trẻ hát, tôi nhớ ngay. Đứa nào hát sai là tôi chửi. Có mấy câu đơn giản vậy mà không hát được thì thi thố cái gì". Đấy là cụ chê mấy đứa trẻ hôm rồi tham dự cuộc thi hát do tỉnh tổ chức. Có mỗi một bài mà hát chẳng ra hồn, đối đáp nhau sai bét cả, cứ phải xin hát lại. Nhiều người mất hứng, bỏ ra xem đánh cờ tướng hoặc quay về. Có vậy mới biết, người Bắc Ninh yêu và khó tính với hát quan họ lắm.

Theo bà Chịch thì "quan họ cũng lắm nghề chơi". Như bà Nguyên là tính tình lành nên không đụng chạm nhiều. Còn như bà Chịch thì khuấy trời, động đất, chơi mà đám thanh niên hỗn hào nhất tỉnh cũng phải dè chừng. Ấy vậy nên từ chuyện hát thi, hát đối cho đến chuyện "đụng" mấy anh trai ngỗ ngược ở làng khác đều một tay bà đứng ra dàn xếp. Cái miệng "lem lẻm" của bà như đã quen đối đáp trong quan họ nên mấy tay thanh niên gặp bà cũng có phần... né. Trong gia đình, bà Chịch cũng làm cho người thân nhiều phen tức giận chỉ vì mê hát. "Bỏ ăn, bỏ làm đi hát, tôi bị anh ruột đánh xưng cả hai chân. Đến khi lấy chồng, có chửa rồi vẫn trốn đi hát. Bố chồng gọi về thì quỳ xuống mà xin: "Con bỏ chồng cũng được, lạy bố đừng cấm con đi hát".

Bà Chịch ra chiều tiếc nuối vì bây giờ chẳng còn ai hát không nhạc như ngay trước. Hát "bo" như các cụ thì đòi hỏi phải phải biết luyến láy, ê a, 5 giọng trên 5 giọng dưới, phải rõ la rằng... thì mới được coi là hay. Vậy nên ngày trước cứ có đám cưới, đám hỏi, giỗ chạp gì là các liền anh liền chị được mời đến, ngồi "đưa đẩy" nhau thâu đêm không hết điệu.

Ông Trần Đình Luyện, Giám đốc Sở Văn hoá thông tin tỉnh Bắc Ninh, dường như cũng đồng cảm với ý kiến của các cụ: "Cũng phải hiểu cho các cháu trẻ bây giờ, chúng còn lo học hành, công việc. Thuộc đến 130 bài quan họ đối với chúng cũng là khó lắm rồi".


Cụ Nguyễn Thị Khướu nay đã 103 tuổi, sống tại làng Ngang Nội, xã Hiên Vân, huyện Tiên Du.
Bắc Ninh đang cố gắng sao có thể lưu giữ được các bài hát cổ của các "lão làng" quan họ hiện còn sống. Ông Luyện cho biết, hiện chỉ còn 6 cụ cao niên thuộc nhiều và thực sự đam mê với quan họ. Trong tay các cụ là cả một kho tàng mà chúng ta chưa khai thác hết được. Bắt các cụ ghi ra thì không được vì người thì không biết chữ, người thì chỉ hát được chứ đọc từng câu... không được. Vì vậy, Sở Văn hoá cứ phải mời các cụ lên đình, chùa hát rồi ghi âm lại làm tư liệu. Thế mà cũng chẳng thu hết được. Như cụ Khướu, giờ đã 103 tuổi, vốn quan họ của cụ rất lớn bởi cụ biết không chỉ những bài hát mà cả những phong tục, hình thức... Nhưng cụ tuổi đã quá cao, sức yếu, lúc nhớ lúc không. Khai thác được kinh nghiệm, vốn sống của các cụ không phải chuyện dễ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thứ Sáu, 15 tháng 10, 2010

Hát Quan họ

Quan họ từng là vốn quý của đất kinh Bắc. Tuy nhiên những liền chị trẻ tuổi ngày nay không còn say mê với chiếu hát. Làng quan họ giờ đây vẫn thường nhắc đến những cái tên xưa cũ như bà Nguyễn Thị Nguyên, Vũ Thị Chịch...

Bà Nguyên tâm sự: "Ngày trước, chúng tôi hát giao duyên đối đáp thâu đêm, hát cho các liền anh phải sợ mà không dám gặp mặt. Con gái quan họ hiền lành, dịu dàng là thế nhưng đã hát thì phải ra câu ra chữ, hát cho biết con gái đất này chẳng phải tay vừa". Bà kể, ngày đó chẳng bao giờ người quan họ lại quan tâm mình thuộc bao nhiêu bài, mà chỉ biết là phải hát được 36 giọng. Ai hát bất kỳ làn điệu nào mà thiếu giọng là bị ghét ngay.


Cụ Nguyên, 1 trong 6 người được đề cử nghệ nhân quan họ.
"Những anh nào hát không hay, đối đáp không giỏi, có mời trầu chúng tôi cũng chẳng thèm ăn", bà rủ rỉ. Chuyện các liền anh ấm ức bỏ về là thường, bởi hát như ra câu đối, phải ứng khẩu tức thì. Rồi bà lẩm nhẩm hát: "Mấy vạn năm nay vẫn hãy còn. Cớ sao khi khuyết lại khi tròn. 30 mùng 1 đi đâu vắng. Hay có tình riêng với nước non", vừa dứt, bà chợt cười to. Bà Nguyên kể tiếp: "Mấy anh kia đớ người, gượng gạo một lúc rồi đành hẹn năm sau đáp lại. Ấy thế mà mãi đến 3-4 năm sau, tôi mới được gặp lại, các anh ấy mới lấy bài Bánh trôi nước ra để đối. Tôi cũng chẳng giận vì... các anh ấy hát hay lắm".

Được bố mẹ dạy hát từ năm 15 tuổi, tính đến nay, những làn điệu quan họ thấm vào máu bà ngót nghét 70 năm. Bà tự hào vì "sinh" ra cho đất quan họ nhiều "liền chị" xuất sắc. Từ những học sinh mà bà gọi là "hát quan họ cho cả nước nghe" như Thuý Cải, cho đến Bích Thuỷ, cô gái xuất sắc đoạt giải nhất chỉ sau 2 năm thi tài với các đàn anh, đàn chị. Bà chỉ tiếc 4 đứa con của bà "chỉ duy nhất thằng út hát hay, còn lại thì chỉ đủ ra khoe thiên hạ mình là người Bắc Ninh".


Cụ Chịch vừa nhai trầu vừa cố nhớ tên làn điệu quan họ.
Không được như bà Nguyên, bà Vũ Thị Chịch đã quên gần hết các làn điệu quan họ. Vừa bỏm bẻm nhai trầu, bà vừa liệt kê được hơn mươi làn điệu. Thì cụ cũng đã được 86 tuổi rồi, đi còn không thẳng, nhớ sao cho nổi cả trăm bài hát.

"Ấy nhưng mà cứ nghe đám trẻ hát, tôi nhớ ngay. Đứa nào hát sai là tôi chửi. Có mấy câu đơn giản vậy mà không hát được thì thi thố cái gì". Đấy là cụ chê mấy đứa trẻ hôm rồi tham dự cuộc thi hát do tỉnh tổ chức. Có mỗi một bài mà hát chẳng ra hồn, đối đáp nhau sai bét cả, cứ phải xin hát lại. Nhiều người mất hứng, bỏ ra xem đánh cờ tướng hoặc quay về. Có vậy mới biết, người Bắc Ninh yêu và khó tính với hát quan họ lắm.

Theo bà Chịch thì "quan họ cũng lắm nghề chơi". Như bà Nguyên là tính tình lành nên không đụng chạm nhiều. Còn như bà Chịch thì khuấy trời, động đất, chơi mà đám thanh niên hỗn hào nhất tỉnh cũng phải dè chừng. Ấy vậy nên từ chuyện hát thi, hát đối cho đến chuyện "đụng" mấy anh trai ngỗ ngược ở làng khác đều một tay bà đứng ra dàn xếp. Cái miệng "lem lẻm" của bà như đã quen đối đáp trong quan họ nên mấy tay thanh niên gặp bà cũng có phần... né. Trong gia đình, bà Chịch cũng làm cho người thân nhiều phen tức giận chỉ vì mê hát. "Bỏ ăn, bỏ làm đi hát, tôi bị anh ruột đánh xưng cả hai chân. Đến khi lấy chồng, có chửa rồi vẫn trốn đi hát. Bố chồng gọi về thì quỳ xuống mà xin: "Con bỏ chồng cũng được, lạy bố đừng cấm con đi hát".

Bà Chịch ra chiều tiếc nuối vì bây giờ chẳng còn ai hát không nhạc như ngay trước. Hát "bo" như các cụ thì đòi hỏi phải phải biết luyến láy, ê a, 5 giọng trên 5 giọng dưới, phải rõ la rằng... thì mới được coi là hay. Vậy nên ngày trước cứ có đám cưới, đám hỏi, giỗ chạp gì là các liền anh liền chị được mời đến, ngồi "đưa đẩy" nhau thâu đêm không hết điệu.

Ông Trần Đình Luyện, Giám đốc Sở Văn hoá thông tin tỉnh Bắc Ninh, dường như cũng đồng cảm với ý kiến của các cụ: "Cũng phải hiểu cho các cháu trẻ bây giờ, chúng còn lo học hành, công việc. Thuộc đến 130 bài quan họ đối với chúng cũng là khó lắm rồi".


Cụ Nguyễn Thị Khướu nay đã 103 tuổi, sống tại làng Ngang Nội, xã Hiên Vân, huyện Tiên Du.
Bắc Ninh đang cố gắng sao có thể lưu giữ được các bài hát cổ của các "lão làng" quan họ hiện còn sống. Ông Luyện cho biết, hiện chỉ còn 6 cụ cao niên thuộc nhiều và thực sự đam mê với quan họ. Trong tay các cụ là cả một kho tàng mà chúng ta chưa khai thác hết được. Bắt các cụ ghi ra thì không được vì người thì không biết chữ, người thì chỉ hát được chứ đọc từng câu... không được. Vì vậy, Sở Văn hoá cứ phải mời các cụ lên đình, chùa hát rồi ghi âm lại làm tư liệu. Thế mà cũng chẳng thu hết được. Như cụ Khướu, giờ đã 103 tuổi, vốn quan họ của cụ rất lớn bởi cụ biết không chỉ những bài hát mà cả những phong tục, hình thức... Nhưng cụ tuổi đã quá cao, sức yếu, lúc nhớ lúc không. Khai thác được kinh nghiệm, vốn sống của các cụ không phải chuyện dễ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét