Thứ Bảy, 16 tháng 10, 2010

Về một câu ca dao có liên quan đến phong trào Tây Sơn

Khi nói đến tình cảm của con người với quê hương, đất nước hay nhắc đến hình ảnh quê hương xưa cũ cùng với những tình cảm của con người xa xứ, ca dao thường nói đến "cây đa", "bến nước", "con đò". "Cây đa", "bến đò" là tín hiệu nghệ thuật, là biểu tượng nghệ thuật gắn liền với quê hương, đất nước của con người Việt Nam cả xưa lẫn nay. Cây đa cổ thụ là biểu tượng về sinh tụ trường thọ của cộng đồng, xóm làng. Cây đa vừa có ý nghĩa thực tiễn, vừa có ý nghĩa xã hội và tâm linh cho nên nó mang ý nghĩa biểu tượng của tính cộng đồng, là niềm hãnh diện của xóm làng "sợ ông thần phải sợ cây đa". Còn bến nước (mà xưa khi gắn liền với con đò- thành bến đò) là cửa ngõ giao lưu của cộng đồng làng xóm với xã hội bên ngoài. Bến nước là biểu tượng của quê hương, có tính cộng đồng, có tính mở trong quan hệ với tính đóng của lũy tre làng trong quá trình tồn tại và phát triển của làng. Bên cạnh sự đề cập riêng lẻ từng biểu tượng cây đa hay bến đò như trên, kho tàng ca dao cũng nhiều khi đề cập hai hình ảnh- biểu tượng này sóng đôi với nhau.

Trăm năm đành lỗi hẹn hò

Cây đa bến cũ, con đò khác xưa

Cây đa, bến (đò) cũ - như vậy gắn liền với quê hương, đất nước nói chung và với tình cảm riêng tư, tình cảm đôi lứa của con người Việt Nam. Nó như vật chứng của tình cảm con người:

- Cây đa là cây đa bến cũ, bến cũ là bến cũ đò xưa

Ôi thôi rồi, người khác sang đưa

Thiếp nhìn chàng lưng léo, nước sa xuống như mưa hỡi chàng!

- Cây đa là cây đa cũ

Bến đò là bến đò xưa

Nay chừ người khác vô đưa

Oan ơi, oan hỡi! Tức chưa bạn tề

Những câu ca trên trích từ "Kho tàng ca dao người Việt" (tập 1, NXB VHTT, 1995, tr 383-384). Cũng trong sách này người này có một câu ca rất phổ biến:

Cây đa cũ, bến đò xưa

Bộ hành có nghĩa nắng mưa cũng chờ

Câu này được tuyển lại từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó có cuốn "Dân ca Nam Trung Bộ" (tập 1- NXB Văn Hóa, 1963). Nội dung câu ca vẫn đề cập đến tình cảm quê hương, tình nghĩa của lứa đôi nói riêng và của con người nói chung.

Câu ca này có nhiều dị bản, một trong số đó là câu ca ở trong sách "Văn học dân gian Nghĩa Bình" (tập 1, Sở VHTT Nghĩa Bình xb; 1986, tr. 36)

Cây me cũ, bến trầu xưa

Dẫu không nên tình nghĩa cũng đón đưa cho trọn niềm

Trong văn bản cũng như phần chú thích cùng trang, các soạn giả đều ghi từ "me" và từ "trầu" viết thường và chú : "cây me, bến trầu": các di tích liên quan đến khởi nghĩa Tây Sơn 1771.

Như vậy, so với văn bản trong "Kho tàng ca dao người Việt"... ở trên, câu ca này có khác biệt: cây đa/ cây me, bến đò/ bến trầu, và ở cả câu bát. Tình cảm đề cập đến ở câu trên là chung, có ở nhiều địa phương nhưng câu ca sau là đề cập đến tình cảm riêng, mang sắc thái của người dân Bình Định, nói đến tình cảm thủy chung, biết ơn của người dân ở đây với anh em nhà Tây Sơn, mà những di tích "cây me", "bến trầu" là vật chứng. Thật vậy, nếu hình ảnh "cây đa, bến đò" là chung cho nhiều vùng, miền thì "cây me, bến trầu" là hình ảnh riêng, gắn kết, liên quan đến phong trào Tây Sơn.

Cây me ở đây chính là cây me cổ thụ trong vườn nhà anh em Tây Sơn (nay ở trong địa giới của Bảo tàng Quang Trung- Tây Sơn) đã được xếp hạng di tích quốc gia. Còn "Bến trầu xưa" ở đây chính là bến Trường Trầu gắn liền với nghề buôn trầu của Nguyễn Nhạc, nằm ở tả ngạn sông Kôn, khoảng giữa hai cầu Kiên Mỹ cũ và mới, cũng đã được xếp hạng di tích.

Xét về mặt văn bản, có thể viết lại câu ca dao ở sách "Văn học dân gian Nghĩa Bình" với các từ "Me", "Trầu" viết hoa vì chỉ tên riêng, tên địa danh ở Tây Sơn có liên quan đến phong trào Tây Sơn như sau:

Cây Me cũ, bến Trầu xưa

Dẫu không nên tình nghĩa cũng đón đưa cho trọn niềm

Sự lưu truyền những câu ca dao từ vùng này sang vùng khác và thể hiện đặc điểm riêng của địa phương, của những dị bản ca dao là qui luật chung của văn học dân gian. "Cây Me cũ, bến Trầu xưa" nằm trong trường hợp đó và là một trường hợp thú vị của dân gian. Những địa danh này đã hơn một lần đi vào thi ca hiện đại:

Bến Trường Trầu dòng sông lại lên xanh

Cây Me cũ lại ngời nhành lộc mới

Chiều Tây Sơn mùa xuân tha thiết đợi

Tình yêu không hóa đá bao giờ

(Nguyễn Thái Dương- Còn những mùa xuân xa)

Như vậy, vận dụng phương pháp hệ thống, chú ý đến thuộc tính truyền miệng của văn học dân gian ta có thể xác định được văn bản đích thực của những dị bản ca dao, mà câu ca trên "cây Me cũ, bến Trầu xưa,..." ở Bình Định là một thí dụ.

. Trần Xuân Toàn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thứ Bảy, 16 tháng 10, 2010

Về một câu ca dao có liên quan đến phong trào Tây Sơn

Khi nói đến tình cảm của con người với quê hương, đất nước hay nhắc đến hình ảnh quê hương xưa cũ cùng với những tình cảm của con người xa xứ, ca dao thường nói đến "cây đa", "bến nước", "con đò". "Cây đa", "bến đò" là tín hiệu nghệ thuật, là biểu tượng nghệ thuật gắn liền với quê hương, đất nước của con người Việt Nam cả xưa lẫn nay. Cây đa cổ thụ là biểu tượng về sinh tụ trường thọ của cộng đồng, xóm làng. Cây đa vừa có ý nghĩa thực tiễn, vừa có ý nghĩa xã hội và tâm linh cho nên nó mang ý nghĩa biểu tượng của tính cộng đồng, là niềm hãnh diện của xóm làng "sợ ông thần phải sợ cây đa". Còn bến nước (mà xưa khi gắn liền với con đò- thành bến đò) là cửa ngõ giao lưu của cộng đồng làng xóm với xã hội bên ngoài. Bến nước là biểu tượng của quê hương, có tính cộng đồng, có tính mở trong quan hệ với tính đóng của lũy tre làng trong quá trình tồn tại và phát triển của làng. Bên cạnh sự đề cập riêng lẻ từng biểu tượng cây đa hay bến đò như trên, kho tàng ca dao cũng nhiều khi đề cập hai hình ảnh- biểu tượng này sóng đôi với nhau.

Trăm năm đành lỗi hẹn hò

Cây đa bến cũ, con đò khác xưa

Cây đa, bến (đò) cũ - như vậy gắn liền với quê hương, đất nước nói chung và với tình cảm riêng tư, tình cảm đôi lứa của con người Việt Nam. Nó như vật chứng của tình cảm con người:

- Cây đa là cây đa bến cũ, bến cũ là bến cũ đò xưa

Ôi thôi rồi, người khác sang đưa

Thiếp nhìn chàng lưng léo, nước sa xuống như mưa hỡi chàng!

- Cây đa là cây đa cũ

Bến đò là bến đò xưa

Nay chừ người khác vô đưa

Oan ơi, oan hỡi! Tức chưa bạn tề

Những câu ca trên trích từ "Kho tàng ca dao người Việt" (tập 1, NXB VHTT, 1995, tr 383-384). Cũng trong sách này người này có một câu ca rất phổ biến:

Cây đa cũ, bến đò xưa

Bộ hành có nghĩa nắng mưa cũng chờ

Câu này được tuyển lại từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó có cuốn "Dân ca Nam Trung Bộ" (tập 1- NXB Văn Hóa, 1963). Nội dung câu ca vẫn đề cập đến tình cảm quê hương, tình nghĩa của lứa đôi nói riêng và của con người nói chung.

Câu ca này có nhiều dị bản, một trong số đó là câu ca ở trong sách "Văn học dân gian Nghĩa Bình" (tập 1, Sở VHTT Nghĩa Bình xb; 1986, tr. 36)

Cây me cũ, bến trầu xưa

Dẫu không nên tình nghĩa cũng đón đưa cho trọn niềm

Trong văn bản cũng như phần chú thích cùng trang, các soạn giả đều ghi từ "me" và từ "trầu" viết thường và chú : "cây me, bến trầu": các di tích liên quan đến khởi nghĩa Tây Sơn 1771.

Như vậy, so với văn bản trong "Kho tàng ca dao người Việt"... ở trên, câu ca này có khác biệt: cây đa/ cây me, bến đò/ bến trầu, và ở cả câu bát. Tình cảm đề cập đến ở câu trên là chung, có ở nhiều địa phương nhưng câu ca sau là đề cập đến tình cảm riêng, mang sắc thái của người dân Bình Định, nói đến tình cảm thủy chung, biết ơn của người dân ở đây với anh em nhà Tây Sơn, mà những di tích "cây me", "bến trầu" là vật chứng. Thật vậy, nếu hình ảnh "cây đa, bến đò" là chung cho nhiều vùng, miền thì "cây me, bến trầu" là hình ảnh riêng, gắn kết, liên quan đến phong trào Tây Sơn.

Cây me ở đây chính là cây me cổ thụ trong vườn nhà anh em Tây Sơn (nay ở trong địa giới của Bảo tàng Quang Trung- Tây Sơn) đã được xếp hạng di tích quốc gia. Còn "Bến trầu xưa" ở đây chính là bến Trường Trầu gắn liền với nghề buôn trầu của Nguyễn Nhạc, nằm ở tả ngạn sông Kôn, khoảng giữa hai cầu Kiên Mỹ cũ và mới, cũng đã được xếp hạng di tích.

Xét về mặt văn bản, có thể viết lại câu ca dao ở sách "Văn học dân gian Nghĩa Bình" với các từ "Me", "Trầu" viết hoa vì chỉ tên riêng, tên địa danh ở Tây Sơn có liên quan đến phong trào Tây Sơn như sau:

Cây Me cũ, bến Trầu xưa

Dẫu không nên tình nghĩa cũng đón đưa cho trọn niềm

Sự lưu truyền những câu ca dao từ vùng này sang vùng khác và thể hiện đặc điểm riêng của địa phương, của những dị bản ca dao là qui luật chung của văn học dân gian. "Cây Me cũ, bến Trầu xưa" nằm trong trường hợp đó và là một trường hợp thú vị của dân gian. Những địa danh này đã hơn một lần đi vào thi ca hiện đại:

Bến Trường Trầu dòng sông lại lên xanh

Cây Me cũ lại ngời nhành lộc mới

Chiều Tây Sơn mùa xuân tha thiết đợi

Tình yêu không hóa đá bao giờ

(Nguyễn Thái Dương- Còn những mùa xuân xa)

Như vậy, vận dụng phương pháp hệ thống, chú ý đến thuộc tính truyền miệng của văn học dân gian ta có thể xác định được văn bản đích thực của những dị bản ca dao, mà câu ca trên "cây Me cũ, bến Trầu xưa,..." ở Bình Định là một thí dụ.

. Trần Xuân Toàn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét